Những chuyện ít biết về tranh dân gian Việt Nam (kỳ 2): Dòng tranh “3D” Nam Bộ

Tranh gói vải là loại tranh rất đặc biệt của người dân Nam Bộ với việc sáng tạo các hình ảnh về con người, đồ vật bằng những tấm vải lụa. Việc tạo hình nổi trên tranh đã khiến những bức tranh trở nên sinh động, những bức chân dung nhìn như tranh 3D ngày nay.

Nghệ nhân Hồ Văn Tai đang làm tranh gói vải

Dòng tranh tạo hình nổi trên lụa

Tranh vải gói nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ được hình thành từ thế kỉ XX do ông Trần Văn Huy hiệu là Thủy Tiên ở Sa Đéc sáng lập ra. Ban đầu, đó chỉ là sáng kiến thay hình dán giấy bằng vải hoặc gấm trên những tấm chướng phúng viếng đám ma. Sau dần, ý tưởng đó được nhiều người yêu thích và những bức tranh gói vải hay còn gọi là vải gói được nâng cấp thành một dòng tranh mới để phục vụ nhu cầu, thị hiếu đa dạng của cư dân mảnh đất phương Nam.

Dòng tranh tạo hình nổi tiếng trên lụa này hướng đến sự chân thực, sinh động của hình ảnh. Phổ biến nhất trong dòng tranh gói vải là tranh chân dung để thờ cúng, ngoài ra tranh gói vải còn được dùng để trang trí.

Những người có nhu cầu thường tìm đến những người thợ làm tranh gói vải để đặt làm tranh chân dung, đây quả là một quá trình “chụp ảnh chân dung” đầy tỉ mỉ, cầu kì, phức tạp của những nghệ nhân. Ngoài ra, các nghệ nhân tranh gói vải còn sáng tác  những bức tranh phong cảnh hay tiên, Phật dùng để treo trong nhà.

Nét độc đáo nổi bật của tranh gói vải là tranh được sáng tác trên nền lụa, có nhiều hình khối, chi tiết được nghệ nhân cuốn bằng vải, tạo nếp cho nổi hẳn lên, trông rất sinh động. Các hình nổi này kết hợp với nét vẽ tinh tế, bố cục chặt chẽ khiến tranh gói vải tựa như tranh 3D. Giả sử, khi làm tranh chân dung, các chi tiết thường được tạo hình nổi bằng vải, lụa hoặc gấm là tóc, mắt, tai, mũi, trang phục. Đây chính là những chi tiết thật nhất khiến chân dung của người được vẽ như hình ảnh ngoài đời thường. Còn trong tranh phong cảnh, các con vật, bông hoa, cây cối sẽ là những yếu tố được nổi lên bằng vải gói trên một phông nền chung.

Quy trình làm tranh hình nổi trên lụa được bắt đầu từ khâu phác thảo vẽ nét. Nền tranh được người thợ vẽ bằng màu bột. Các chủ thể chính của tranh như: người, con vật hoặc cây cối… được người nghệ nhân dùng bông tạo hình. Sau đó, người thợ vẽ dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Sau cùng, người thợ sẽ gắn keo lên mặt tranh đã được vẽ nền để cố định hình nổi đó. Loại gấm, lụa hoặc vải để phủ cũng được chọn sao cho giống thực tế nhất. Do có hình nổi, dùng chất liệu lụa và bột màu tô điểm rất linh hoạt nên tất cả các yếu tố được lồng ghép đúng tỷ lệ, bố cục chặt chẽ. Đó chính là đặc điểm tạo nên sự sinh động tựa như tranh 3D của tranh gói vải.

Bức tranh gói vải Phúc- Lộc- Thọ

Tranh gói vải dùng để trang trí

Nghệ nhân cuối cùng

Tranh gói vải rất thịnh hành ở Nam Bộ trong giai đoạn 1953 – 1964 nhưng cũng thời điểm này, chiến tranh ở miền Nam bắt đầu lan rộng ra các tỉnh. Sự gia tăng của quân đội Mỹ vào Việt Nam với những trận càn quét lớn như chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt, Việt Nam hóa chiến tranh diễn ra liên tiếp đã khiến đời sống cư dân loạn lạc. Nghề làm tranh gói vải cũng bị tác động không nhỏ. Hơn nữa, trong buổi tọa đàm Tranh dân gian Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị, nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Đức – một người rất tâm huyết với những dòng tranh dân gian Nam Bộ đã cho hay: “Tranh gói vải chân dung phải giống người thật, nếu không khách hàng sẽ từ chối. Làm tranh mất công mà không được trả công… Vậy nên nghề mai một là điều dễ hiểu”.

Nghề làm tranh gói vải đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Hiện nay, chỉ còn duy nhất một người còn làm nghề là nghệ nhân Hồ Văn Tai thuộc ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ông được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh vải gói từng nổi danh thời khắp Nam Bộ. Từ năm 16 tuổi, ông Hồ Văn Tai đã theo cậu ruột của mình là nghệ nhân Thủy Tiên để học nghề làm tranh gói vải. Vào thời tranh gói vải đang được ưa chuộng ở Nam Bộ, nghệ nhân  có bán tranh tại 20/2 Lý Thái Tổ, lấy thương hiệu là Trúc Lam.

Cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn cố gắng giữ lấy nghề trong niềm tiếc nuôi không có người thay thế, tiếp nối. Hiện nay, không ai đặt làm tranh nên cũng không ai theo học nghề. Ông Tai tuy đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cố gắng làm tranh gói vải vì niềm đam mê của mình. Nghề này khá cực nhọc và vất vả, chỉ có thể làm bằng tay chứ không dùng máy khâu được nên nhiều người không đủ kiên nhẫn để theo học.

Trong cuộc đời làm tranh của mình, nghệ nhân Hồ Văn Tai đã tạo ra hơn 3.000 bức tranh chân dung để phục vụ nhu cầu của mọi người. Trong đó có nhiều tranh chân dung danh nhân như: Bác Hồ, Nguyễn Trung Trực, Lê Nin… Một vài bức tranh khác như Phật tổ Như Lai của ông cũng rất đẹp với tạo hình nổi, ấn tượng nhất là đôi mắt, đôi tai và bộ áo cà sa màu vàng óng từ vải lụa của Đức Phật.

Hiện nay, công nghiệp làm tranh với những cách tạo hình hấp dẫn, bắt mắt, thời gian hoàn thiện một bức tranh lại khá nhanh nên tranh gói vải không được mọi người đặt mua nữa cũng là điều dễ hiểu. Chỉ biết rằng, những con người luôn muốn níu giữ nghề truyền thống, muốn níu giữ một thời vang bóng của dân tộc như nghệ nhân Hồ Văn Tai thật đáng trân trọng.

Những người yêu tranh gói vải chẳng còn ai. Có lẽ, chính những cái lắc đầu từ chối nhận hàng của những người đặt tranh đã dần dần đưa tranh gói vải vào dĩ vãng. Để ngày hôm nay, chỉ còn một nghệ nhân già yếu đơn độc với nghề và không một ai học nghề để tiếp nối những câu chuyện về tranh gói vải.

Vào những năm 1953 – 1964, dòng tranh gói vải phát triển mạnh mẽ ở Nam Bộ. Ông Thủy Tiên và các môn sinh của mình có những cửa hàng tranh ở chợ Sài Gòn, Sa Đéc… Rất nhiều người đến đặt tranh gói vải theo ý muốn của mình như: tranh chân dung, tranh tượng thờ nghệ thuật, tranh tôn giáo, tranh cổ tích, tranh phong cảnh, tranh lịch sử… Những bức tranh dùng để đem tặng đám tiệc thường có giá cao hơn những loại tranh thông thường.

Song Dương

Theo Đời sống
back to top