Những bước đi trong giai đoạn hậu văcxin Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Những ngày qua, cả nước nói chung, TPHCM nói riêng, đang tập trung cho chiến dịch tiêm văcxin ngừa Covid-19. Trong đợt tiêm này, các đối tượng lớn tuổi và có bệnh nền đã được ưu tiên. Ngoài ra, nhiều người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Văcxin và biến thể Delta của virus SARS-CoV-2

Tuy nhiên, số lượng văcxin vẫn còn bị giới hạn, không đủ để cung ứng kịp thời cho toàn bộ dân số. Vấn đề không đủ văcxin còn kéo theo bài toán phải tiêm văcxin trộn, nghĩa là một người phải tiêm 2 mũi với 2 loại văcxin khác nhau. Việc tiêm không đúng liều lượng theo hãng sản xuất là một tình huống bị động. Do vậy, việc lên một kế hoạch phân bổ văcxin hợp lý là điều rất quan trọng.

Tiêm văcxin vẫn rất cần thiết trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh chụp tại Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Tiêm văcxin vẫn rất cần thiết trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh chụp tại Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. 

Ngay cả khi một người đã được tiêm đủ hai mũi văcxin theo cùng hãng sản xuất, chúng ta vẫn lưu ý rằng không có loại văcxin nào có thể đạt được hiệu quả bảo vệ là 100%.

Mục tiêu của các văcxin hiện nay đều nhằm kích thích cơ thể tạo ra kháng thể trung hòa các gai protein bao bên ngoài virus. Tuy vậy, các gai protein này lại biến đổi thường xuyên theo sự thích nghi của virus, dẫn đến sự ra đời của các biển thể mới và giảm hiệu quả của các văcxin hiện có.

Từ khi đại dịch xảy ra đến nay, virus SARS-CoV-2 đã cho ra đời 4 biến thể khác nhau lần lượt là Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong thời điểm hiện tại, biến thể Delta xuất phát từ Ấn Độ đang là tâm điểm gây dịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo giả thuyết tiến hóa virus, các biến thể sẽ ngày càng thích nghi theo chiều hướng giảm độc lực và lây lan nhanh. Khi vào cơ thể, virus sẽ sống ký sinh trong các tế bào, do đó, nếu cơ thể tử vong, virus cũng chết theo. Đó hoàn toàn không phải là mục đích của sự tiến hóa.

Việc giảm độc lực sẽ giúp virus tồn tại hòa bình cùng cơ thể mà nó đang sống bám vào, tuy nhiên, điều này sẽ làm chậm biểu hiện triệu chứng sau phơi nhiễm, kéo theo giảm biện pháp phòng ngừa và virus phát tán thuận lợi hơn. Delta là biến thể thứ 4, do đó nó sẽ hướng theo con đường tiến hóa này.

Văcxin có thể giúp họ giảm tỷ lệ chuyển nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong trước tình trạng quá tải y tế trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Văcxin có thể giúp họ giảm tỷ lệ chuyển nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong trước tình trạng quá tải y tế trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. 

Như vậy, mặc dù có nhiều tranh cãi xoay quanh khả năng bảo vệ của văcxin, việc tiêm văcxin vẫn rất cần thiết cho các đối tượng có nguy cơ cao trở nặng khi mắc Covid-19. Bao gồm người già, có bệnh nền, hút thuốc là và béo phì. Ít nhất, văcxin có thể giúp họ giảm tỷ lệ chuyển nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong trước tình trạng quá tải y tế trong giai đoạn hiện nay.

Những bước đi tiếp theo sau chiến dịch tiêm văcxin

Tiêm văcxin chỉ là một phần trong câu chuyện đối phó với virus SARS-CoV-2, đó không phải là tất cả. Sự bảo vệ từ văcxin là có giới hạn nhất định, do đó, việc đầu tiên sau tiêm là vẫn tiếp tục thực hiện tốt 5K.

Hầu hết chúng ta khi nhiễm virus sẽ thuộc nhóm 80% nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng trách nhiệm của mỗi người đều phải ra sức bảo vệ sức khỏe cho số 20% còn lại. Bởi vì số 20% đó có thể là người thân, là bạn bè, là đồng nghiệp của chính chúng ta. Các đối tượng nguy cơ cao cần tự ý thức bảo vệ chính mình bằng khẩu trang y tế, vừa rất hiệu quả lại vừa chẳng có gì là xa vời và quá tầm tay.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngoài cộng đồng.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngoài cộng đồng. 

Thứ hai là xã hội cần nhận định lại rõ bài học kinh nghiệm từ 3 tháng gồng mình chống dịch. Các đối tượng cần được nhập viện chăm sóc là các ca F0 có triệu chứng nặng hoặc F0 có nguy cơ cao, không phải là F1 hoặc F0 có triệu chứng nhẹ. Nguồn lực y tế không phải là vô hạn, do đó cần được phân bổ thật hợp lý.

Các bệnh viện trên toàn thành phố chuyển đổi bán phần thành cơ sở điều trị cho các ca F0 là vấn đề hợp lý. Điều này sẽ làm giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối trong điều trị Covid-19, tránh bài toán nơi trống giường bệnh, nơi lại tập trung quá nhiều.

Xét theo tình hình, nếu các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung không còn phù hợp nên rút gọn lại. Bệnh nhân vào các khu cách ly đa phần là nhẹ, có thể tự theo dõi tại nhà để đảm bảo vấn đề ăn uống sinh hoạt tốt hơn. Họ cần được tư vấn kỹ hơn về cách phòng chống lây lan, nhận biết dấu hiệu nặng và đánh giá nguy cơ thông qua các tổng đài y tế.

Tuổi cao, bệnh nền, thuốc lá hay béo phì đã có âm ỉ. Covid-19 chỉ là tác nhân châm ngòi cho bom nổ. Ảnh: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Tuổi cao, bệnh nền, thuốc lá hay béo phì đã có âm ỉ. Covid-19 chỉ là tác nhân châm ngòi cho bom nổ. Ảnh: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. 

Thứ ba là công tác truyền thông, cần giúp người dân nhận định rõ tình hình, bình tĩnh trước những thông tin tiêu cực đang lan tràn, tránh sự hoang mang thái quá. Số ca bệnh tăng nhanh, do đó số ca tử vong ở nhóm nguy cơ cao cũng gia tăng tại cùng thời điểm.

Tuy nhiên, nếu thống kê lại, tử suất tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước khác trong đại dịch. Nếu sáng suốt nhận định, chúng ta sẽ thấy Covid-19 chỉ là giọt nước cuối cùng để làm tràn ly, không phải là 100% trách nhiệm cho các ca tử vong.

Nguyên nhân chính gây chết ở bệnh nhân mắc Covid-19 chủ yếu là do sự cạn kiệt nội lực, là tình trạng sức khỏe lâu dài của họ. Tuổi cao, bệnh nền, thuốc lá hay béo phì đã có âm ỉ. Covid-19 chỉ là tác nhân châm ngòi cho bom nổ. Hiểu được câu chuyện mới có ý thức đúng và hành động đúng.

Câu chuyện của Covid-19 vẫn là một báo động toàn cầu. Tuy nhiên, nếu mang ra so sánh, virus SARS-CoV-2 (tỷ lệ tử vong < 5%) vẫn nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với 2 người anh em là SARS-CoV tại Hongkong vào năm 2002 (tỷ lệ tử vong là 10%) và MERS-CoV tại Trung Đông vào năm 2012 (tỷ lệ tử vong là 35%).

Song hành với đại dịch, chúng ta đang đối mặt không ngừng với tình trạng loạn thông tin. Ngay lúc này, chỉ có sự bình tĩnh mới mang lại sự sáng suốt cả và an lành cho tất cả chúng ta.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM) 

Theo Đời sống
back to top