Những bộ phim “trăm tỷ”: Vẫn còn thấp so với tiềm năng

(khoahocdoisong.vn) - Phim Việt ra rạp, vượt qua mọi kỷ lục, vượt cả phim Hollywood, luôn là mong mỏi của nhiều nhà làm phim Việt. “Bố Già” mặc dù chưa phải xuất sắc, được xếp vào hàng nghệ thuật đỉnh cao, nhưng đạt kỷ lục doanh thu 400 tỷ đồng chỉ sau một tháng khiến những người làm phim Việt phải suy nghĩ. 

Phim “trăm tỷ” đều có chung mẫu số

Ngày 5/4 vừa qua, đại diện nhà phát hành đã công bố doanh thu của phim Bố Già cán mốc 400 tỷ đồng sau đúng 1 tháng ra mắt khán giả. Đây được xem là cột mốc doanh thu kỷ lục cao nhất thị trường. “Hai Phượng” của của đạo diễn Lê Văn Kiệt dành cho “đả nữ” Ngô Thanh Vân từng đứng đầu với doanh thu 200 tỷ đồng. Xếp thứ 2 là “Cua lại vợ bầu” 191,8 tỷ đồng. “Mắt biếc” đứng thứ 3 với doanh thu 180 tỷ đồng. “Tiệc trăng máu” ở vị trí số 4 với 175 tỷ đồng và “Em chưa 18” ở vị trí số 5 mốc 171 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ những thành tích ấn tượng ở phòng vé, "Bố Già" trở thành phim điện ảnh Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. 100 tỷ đồng chưa đầy 4 ngày; 200 tỷ đồng sau 9 ngày, 290 tỷ sau 14 ngày; 400 tỷ sau đúng 1 tháng. Đến hiện tại doanh thu của phim vẫn chưa dừng lại. Bố Già vẫn tiếp tục nằm trong top 2 phòng vé.

Với số lượng phim Việt vượt mốc doanh thu trăm tỷ đều đặn tăng lên vài năm gần đây, nhiều nhà làm phim hy vọng nghệ thuật thứ 7 sẽ tiếp tục có những tác phẩm nên cơn sốt trong thời gian tới. Theo giới phân tích điện ảnh, kịch bản là một trong những yếu tố quyết định của “Bố Già” khi câu chuyện được xây dựng gần gũi, rất “đời” với mâu thuẫn giữa các thế hệ đang khá phổ biến trong đời sống gia đình Việt. Lời thoại trong phim chân thật, sử dụng ngôn ngữ đời thường rất nhiều, chính điều này khiến cho khán giả thích thú.

Với “Bố Già”, cái tên Vũ Ngọc Đãng là sự bảo đảm bên cạnh Trấn Thành có số lượng fan hùng hậu giúp cho bộ phim nhảy vọt trên bảng xếp hạng ngay những ngày đầu ra mắt. Nhưng có một điều phải kể đến khi nói về thành công của bộ phim, đó là dàn diễn viên hùng hậu. Mặc dù vào vai phụ nhưng diễn xuất của các diễn viên vô cùng tốt đã trở thành những điểm nhấn trong phim. NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Lan Phương, NSƯT Hoàng Sơn, Hoàng Mèo, Lê Giang, La Thành… đều thể hiện ra “chất” nhân vật của mình. Đặc biệt, phải kể đến hai gương mặt sát cánh bên cạnh vai chính: Tuấn Trần vai “Quắn” và bé Ngân Chi vai Bù Tọt, với diễn xuất vô cùng tự nhiên, thu hút được thiện cảm của khán giả giúp bộ phim nhanh chóng có doanh thu trăm tỷ.

Mặc dù các đạo diễn đều khẳng định “không có công thức nào để làm ra bộ phim trăm tỷ nhưng các nhà làm phim thống nhất rằng, các phim “trăm tỷ” đều có mẫu số chung nhất định. Đó là kịch bản có tính đột phá, chất lượng diễn xuất tốt, đặc biệt là sự thăng hoa của diễn viên. Ngoài cốt truyện hợp thị hiếu khán giả, không thể không nói đến yếu tố may mắn.

Theo giới phân tích điện ảnh, “Bố Già” vẫn chỉ là một bộ phim thương mại vẫn có những nhược điểm về sự dài dòng, ồn ào, vương nét diễn kiểu sân khấu, truyền hình. Tuy nhiên, về tổng thể, bộ phim vượt trội về nội dung - yếu tố quan trọng nhất để chinh phục khán giả. Kịch bản Bố Già đậm chất văn hóa Việt, dày dặn, nhiều lớp lang về hiện thực đời sống nên lấy được nước mắt của không ít khán giả. Ngoài kịch bản tốt, dàn diễn viên tài năng, giàu kinh nghiệm, Bố Già may mắn ra rạp vào đúng lúc lợi thế cạnh tranh cao nhất…

Dàn diễn viên tài năng, giàu kinh nghiệm trong phim Bố Già.

Dàn diễn viên tài năng, giàu kinh nghiệm trong phim Bố Già.

... nhưng 400 - 500 tỷ đồng là hoàn toàn có thể

Xoay quanh kỷ lục của Bố Già, nhiều cuộc thảo luận bàn tròn chủ đề “trăm tỷ” đã được giới làm phim phân tích, mổ xẻ. Không nhà làm phim nào dám tự tin phim mình ra rạp sẽ đạt doanh thu trăm tỷ và yếu tố may mắn luôn rất lớn. “Tiệc trăng máu”, “Chị Mười Ba” phần 2, “Bố Già”… đều công chiếu vào thời điểm rạp mở cửa sau một thời gian đóng vì dịch. Khán giả “đói” phim, cộng với hợp thị hiếu nên thành công vang dội cũng là điều dễ hiểu.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, việc Bố Già bị dời lịch chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng có thể xem như trường hợp “trong cái rủi có cái may” và đúng nghĩa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Trấn Thành khi nói về Bố Già cũng cho rằng: “Không có bộ phim nào thành công mà không cần đến sự may mắn. Với Bố Già, khán giả trong một, hai ngày đầu có thể tới rạp vì cái tên Trấn Thành. Song những ngày sau đó, người ta mua vé bởi bản thân bộ phim, nếu hay thì họ mới truyền miệng nhau để thành một làn sóng đi xem ở rạp”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, thành công của Bố Già đến từ khía cạnh nội dung thấm đẫm triết lý châu Á, với tình thân và tình cảm gia đình là trọng tâm. Những câu chuyện xoáy vào tình cảm gia đình, máu mủ ruột thịt đều chạm được đến mức cao nhất tình cảm của khán giả. Bố Già là một trường hợp tiêu biểu làm được rất tốt việc này

Theo phân tích của các đạo diễn, tiềm năng để doanh thu phim Việt “trăm tỷ”, thậm chí lên đến 400 - 500 tỷ đồng (20 - 25 triệu USD) là hoàn toàn có thể đối với thị trường giải trí chiếu rạp hiện nay.

Rõ ràng, tuy chỉ là phim Việt nhưng doanh thu của Bố Già đã vượt cả kỷ lục phim ngoại bom tấn quốc tế tại Việt Nam. Doanh thu 400 tỷ sau một tháng chiếu rạp là rất lớn so với cả phim Việt lẫn phim ngoại tại Việt Nam từ trước đến nay. Đến thời điểm này, Bố Già đã soán ngôi đầu bảng của bom tấn Hollywood Avengers: Endgame từng chạm mốc 285 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam năm 2019.

Mặc dù vậy, theo giới kinh doanh giải trí, doanh thu đó vẫn còn quá thấp so với tiềm năng lớn của thị trường có dân số 97,58 triệu người tại Việt Nam (theo Tổng cục Thống kê tính đến hết năm 2020). Nếu tạm lấy giá vé xem phim trung bình là 100.000đ/vé, thì 400 tỷ đồng của Bố Già chỉ mới chỉ thu hút hơn 4 triệu khán giả tới rạp.

So sánh với khu vực châu Á, Hàn Quốc có dân số 51,3 triệu người nhưng có cả trăm phim đạt doanh thu trên 50 triệu USD. Hiện các phim có doanh thu cao nhất tại Hàn Quốc là: Parasite (Ký sinh trùng) với 254,2 triệu USD, The Admiral: Roaring Currents (Đại thủy chiến) - 138,3 triệu USD: Extreme Job (Phi vụ bá đạo) - 120 triệu USD… Chỉ ví dụ gần đây nhất là phim chiếu tết 2021 của Trung Quốc là Hi, Mom (Xin chào Lý Hoán Anh) của nữ đạo diễn Giả Linh đến ngày 21/3 đã đạt doanh thu khoảng 808 triệu USD.

“Hai Phượng” từng khẳng định vị trí của điện ảnh Việt Nam khi “thẳng tiến” tới Oscar lần thứ 92 với điểm chuẩn của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ dành cho “Phim truyện quốc tế”. Mới đây nhất, Vị (Taste) - bộ phim độc lập đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Bảo, nhà làm phim tự học, sinh năm 1990 tại TPHCM đã dành giải đặc biệt của BGK tại hạng mục Encounters của LHP Berlin. Nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, Lê Bảo cho thấy tiềm năng của một thế hệ đạo diễn trẻ đầy hứa hẹn ở Việt Nam trong tương lai. Cùng với thị trường gần 100 triệu dân, nhiều đạo diễn tin tưởng phim Việt sẽ còn có doanh thu cao hơn khi mà điện ảnh nước nhà ngày càng sản xuất được nhiều bộ phim chất lượng tốt.

Tuấn Trần và Trấn Thành - hai diễn viên chính trong Bố Già.

Tuấn Trần và Trấn Thành - hai diễn viên chính trong Bố Già.

Theo Đời sống
back to top