Những bất thường ở dây rốn

(khoahocdoisong.vn) - Dây rốn giúp hình thành bánh nhau và gắn kết với thành tử cung. Dây rốn cho phép các chất dinh dưỡng và oxy vận chuyển từ mẹ sang thai nhi, đồng thời thải các chất thừa và máu thiếu oxy từ thai nhi qua mẹ.

Dây rốn đảm bảo máu không bị pha trộn, giúp thai nhi sống sót và tăng trưởng cũng như giúp duy trì một thai kỳ khỏe mạnh. Khi trẻ chào đời, dây rốn sẽ được bác sĩ cắt đi, phần còn lại sẽ khô và rụng sau vài ngày. Việc siêu âm giúp phát hiện nhiều bất thường của dây rốn nhằm phát hiện sớm bệnh đối với thai nhi.

U nang dây rốn: Siêu âm có thể nhìn thấy ngay trong 3 tháng đầu thai kỳ và có thể mất đi trong 3 tháng giữa. Những u nang còn tồn tại sau 14 tuần thì thường sẽ không mất đi trong suốt thai kỳ. Về bản chất có 2 loại là u nang thực sự có một lớp lót biểu mô. Thông thường, các nang thực sự nằm gần dây chèn của thai nhi và có thể có kích thước từ 4 - 60mm. Mặt khác, nang giả không có lớp biểu mô mà là phù nề cục bộ. Phân biệt giữa u nang thực sự và giả nang trên siêu âm trước sinh thường không đặc hiệu. Mục đích siêu âm là theo dõi kích thước, vị trí của nang. Có thể có một hoặc nhiều u nang. 

Các nghiên cứu cho rằng, vị trí nang gần thành bụng của thai nhi sẽ tăng nguy cơ bất thường khác của thai. Những dị tật hay gặp nhất khi thai có u nang dây rốn là thoát vị rốn và hội chứng Edwards (3 NST số 18). Qua hình ảnh chẩn đoán, các bác sĩ sẽ phân biệt được các dị tật như thoát vị rốn, u nang niệu quản, xoang niệu quản. Các loại u khác của dây rốn hiếm gặp như hemangioma, tetaroma, hematoma

Dây rốn thắt nút: Khoảng 1% trẻ sơ sinh được sinh ra với một hoặc nhiều nút thắt ở dây rốn. Một số nút thắt hình thành trong khi chuyển dạ khi thai xoay để lọt và xổ ra ngoài. Một số khác hình thành trong quá trình mang thai khi em bé cử động. Tần suất cao hơn khi dây rốn quá dài và trong đa thai, nhất là song thai một buồng ối.

Nếu nút thắt lỏng lẻo thường không gây hại cho thai nhưng đôi khi nút thắt có thể được kéo chặt, cắt đứt nguồn cung cấp oxy cho thai, gây ra sẩy thai hoặc thai chết lưu (5%). Trong quá trình chuyển dạ, nút thắt có thể khiến thai có những bất thường về nhịp tim và phải mổ lấy thai.

Siêu âm 3D cho phép đưa ra chẩn đoán chính xác và đánh giá mức độ căng của nút thắt. Siêu âm 4D cho phép đánh giá sớm hơn mức độ căng của nút thắt, đánh giá chỉ số RI, PI động mạch rốn. Thông tin này cho phép bác sĩ sản khoa đưa ra quyết định nhanh hơn về việc sinh mổ để ngăn ngừa suy thai hoặc thai chết lưu.

Dây rốn quấn cổ: Là khi dây rốn quấn đủ 360 độ quanh cổ thai nhi. Theo nhiều nghiên cứu, dây rốn quấn cổ không gây ảnh hưởng cho thai nhi, kể cả khi chuyển dạ. Chỉ một số trường hợp hiếm, dây quấn cổ chặt gây ảnh hưởng đến dòng máu qua dây rốn, ảnh hưởng đến nhịp tim thai và có thể gây suy thai. Việc siêu âm 2D và Doppler màu chẩn đoán rõ ràng dây rốn quấn cổ, theo dõi Doppler dòng máu qua dây rốn để đánh giá tình trạng thiếu máu thai nhi.

Siêu âm là công cụ hữu ích nhất để khảo sát những bất thường của dây rốn. Khi có bất thường về dây rốn, một số xét nghiệm chẩn đoán trước sinh khác như chọc ối là cần thiết. Việc sử dụng Doppler theo dõi sự nuôi dưỡng thai nhi và phát hiện suy thai sớm là rất cần thiết, từ đó tiên lượng chặt chẽ đến chỉ định theo dõi hay đình chỉ thai. 

BS Ngô Kiều Trang (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top