Nhớ và quên

Nhớ và quên là chuyện bình thường. Cho ai, giúp ai cái gì thì hãy quên, còn ai giúp mình thì phải nhớ. Hãy nhớ, ngày hôm nay đều bắt đầu từ hôm qua.

Kỷ niệm tuổi thơ.

Tôi có người bạn cũ, hơn 30 năm gặp lại, rất nhiều người bạn không nhớ. Đến cả người từng ngồi cùng bàn, nhà cùng khu, chơi với nhau suốt những năm tháng tuổi thơ, vậy mà giờ nhắc lại mãi bạn mới nhớ ra. Có cái gì đó hụt hẫng khi bị lãng quên như thế.

Chả bù cho tôi, cái gì cũng nhớ, từ tên họ, từ chỗ ngồi tới thói quen, tính cách… nên cứ gặp nhau là vui, được nhớ đến, được kể lại những chuyện chúng tôi đã được cùng nhau trải qua.

Kể cả những dại dột, những lỗi lầm giờ cũng trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ, bởi nó giúp ta nhận thấy có một thời mình đã sống chân thật và hồn nhiên đến thế. Chính nó đã tạo nên con người ta ngày hôm nay. Không thể lãng quên, không thể không được nhắc đến. Và tôi nhận thấy, rất nhiều người cảm động khi được nhớ đến như thế.

Nhớ – quên là chuyện bình thường. Nhưng tại sao có người nhớ có người quên, chuyện này ta nhớ những việc khác lại quên biến đi mất… Phải chăng có cơ chế nào đó quyết định việc nào nên nhớ, nên quên?

Bạn có nhớ đã giấu vở để tôi không học được bài? Tôi không quên nhưng vờ như chẳng nhớ để bạn khỏi khó xử. Cái trò trẻ con đó, giờ chúng ta nhìn lại với lòng vị tha hơn rất nhiều. Rồi có lần tôi chơi nhảy ngựa bị ngã, chảy máu đầu gối, bạn hớt hải chạy đi xin bông và thuốc đỏ để băng cho tôi.

Hay cái lần hai đứa che chung một mảnh áo mưa, cứ cố kéo che cho bạn rồi để phía bên mình mưa tạt, co kéo mãi thành ra cả hai đều ướt, rồi cùng vứt cả đi mà chạy trong mưa. Làm sao quên được những kỷ niệm ngọt ngào như thế.

Kỷ niệm là một gia tài vô giá. Nếu quên đi thì những năm tháng đó còn lại gì, chả lẽ lại là một khoảng trống rỗng vô nghĩa?

Nhưng có thể, với một số người, quên, dường như là cơ chế để bảo vệ cơ thể khỏi những điều bất lợi. Người ta phải quên đi những việc làm không tốt, những điều không hay, để khỏi phải nhớ về những chuyện đáng xấu hổ mà mình đã làm trong quá khứ.

Thực ra, bản thân mình có thể quên, nhưng người khác lại nhớ. Thế nên, tốt nhất là hãy sòng phẳng với quá khứ, với chính mình.

Người xưa đã nói, cho ai, giúp ai cái gì thì hãy quên, còn ai giúp mình thì phải nhớ. Thời gian có thể khiến ta quên đi rất nhiều. Nhưng hãy nhớ, ngày hôm nay đều bắt đầu từ hôm qua.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top