Nhổ răng khôn có ảnh hưởng thần kinh?

(khoahocdoisong.vn) - Nhổ răng khôn theo dân gian thì nguy hiểm, điều này tùy vào tay nghề bác sĩ. Nó có thể gây tê bì lưỡi, tê môi… Nhưng nói nhổ răng khôn gây ảnh hưởng thần kinh là sai.

Những biến chứng của việc nhổ răng khôn

GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Măt Trung ương Hà Nội cho biết: Nhổ răng khôn thường có biến chứng: Chảy máu, nhiễm trùng gây viêm nhiễm huyệt ổ răng sau khi nhổ,hoặc có sốc phản vệ hay ngộ độc thuốc tê trong khi nhổ gây đe dọa tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời.

Nhiều năm trong nghề, ThS. BS Nguyễn Tấn Văn chia sẻ: Nhổ răng khôn theo dân gian thì nguy hiểm nhưng cái này tùy vào tay nghề bác sĩ.

“Trường hợp bất khả kháng có thể gây tê môi thì giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu, để bệnh nhân quyết định lựa chọn giữa việc bị tê môi và biến chứng nguy hiểm nếu giữ lại răng khôn. Tê môi không gây ảnh hưởng cuộc sống. Còn bảo nhổ răng gây ảnh hưởng tâm thần là sai”.Trong xương hàm có dây thần kinh răng dưới, trong quá trình mổ gây tổn thương ống răng dưới có thể gây tê bì môi dưới. Còn nếu BS có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt làm đúng chỉ định sẽ không bao giờ gây biến chứng nặng nề.

Về trường hợp bệnh nhân tử vong khi đi nhổ răng khôn ở Hải Phòng, theo ThS Văn cần lưu ý hai vấn đề: Nguồn gốc của thuốc như thế nào; Xử trí của nhân viên y tế ban đầu tốt, có kinh nghiệm hay chưa. Ví dụ kinh nghiệm của người tiêm thuốc tê là phải để ý nếu thấy bệnh nhân mặt trắng bệch ra sau đó thấy lấm tấm mồ hôi ở nhân trung, trán… thì xử lý ngay, dừng lại việc tiêm cũng như thao tác nha khoa, day nhân trung, xử trí theo phác đồ ngộ độc thuốc tê... là bệnh nhân sẽ khỏi.

Đối với các trường hợp cắt lợi trùm thì khoảng cách giữa răng 8 và bờ trước cành cao xương hàm dưới phải đủ để cho răng 8 mọc lên hoàn toàn thì cắt mới có tác dụng. Còn khoảng cách sau hàm quá hẹp thì lợi trùm sẽ dễ dàng tái phát sau khi cắt. Cũng không nên uống kháng sinh nhiều quá vì chỉ giải quyết triệu chứng viêm mà chưa xử lý nguyên nhân nên cũng dễ dàng tái phát, đồng thời dễ gây nhờn thuốc.

Làm đúng, an toàn tuyệt đối

BS Văn cho biết: Hiện có 3 phương pháp nhổ răng khôn, đó là:

  1. Nhổ tê trên ghế đối với trường hợp dễ.
  2. Nhổ tiền mê (sức khỏe yếu, nữ giới hay sợ sệt, đôi khi sợ sẽ góp phần vào việc gây sốc về tâm lý).
  3. Nhổ gây mê (yếu, sợ sệt, không có sức khỏe, răng tiên lượng khó).

Nhổ răng khôn khó dựa vào 3 tiêu chí: Tuổi, sức khỏe và giới.

Đối với tuổi: Ở người trẻ tuổi, dây chằng quanh răng dãn rộng, việc nhổ răng, bóc tách sẽ đơn giản hơn nhiêu. Nhưng theo độ tuổi tăng dần, sau 30 tuổi giữa răng và xương ổ răng ngày càng có sự dính khớp, đó là yếu tố không thuận lợi cho nhổ răng.

BS Nguyễn Tấn Văn.

BS Nguyễn Tấn Văn.

Thứ hai là sức khỏe của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân yếu, nhổ răng khôn trên ghế rất nguy hiểm. “Tôi thấy một số phòng khám trưng biển “Chuyên nhổ răng khôn khó” trên ghế, tôi thấy rất e ngại”, BS Văn chia sẻ.

Thứ ba là giới. Đa số nam giới sức chịu đựng tốt hơn so với nữ giới. Nếu nữ giới tuổi trung niên, sức khỏe yếu thì nên lựa chọn phương pháp thứ 2 và thứ 3.

Khi có triệu chứng gì thì nên nhổ răng khôn? BS Văn cho biết: Cần đi khám để biết răng khôn có mọc lệch, mọc ngầm hay không. Trong trường hợp gây đau hoặc viêm một vài lần/năm thì nên đi nhổ. Nếu làm đúng chỉ định thì an toàn tuyệt đối, BS Văn khẳng định.

Theo Đời sống
back to top