Nhìn lại 2021: Một năm đồng lòng vượt dịch

Bức tranh phát triển năm 2021 bị bao trùm bởi gam màu tối là chủ đạo, do những ảnh hưởng tiêu cực của biến thể Delta, từ những mất mát con người đến sụt giảm của kinh tế. Về cuối năm, đã xuất hiện điểm sáng, tạo tiền đề tươi sáng hơn cho năm 2022.

Làn sóng Covid-19 tàn phá

Bao trùm năm 2021 là tác động đáng sợ của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 với biến chủng Delta.

Khởi đầu từ 27/4 tại Bắc Giang, dịch Covid -19 đã lan sang Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca nhiễm, chỉ có 35 trường hợp tử vong, thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm, 30.000 người tử vong (tính đến ngày 23/12). Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước.

Trong đó, TPHCM là địa phương bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hơn 70% số ca tử vong cả nước tập trung ở đây. Thành phố đã buộc phải phong tỏa trong gần 5 tháng và điều động cả quân đội vào cuộc.

Thành phố trải qua những ngày "đau thương, mất mát rất lớn, chưa từng có trong lịch sử", như lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.

quan-doi-chong-dich.jpg

Cả nước cũng thực hiện cuộc điều động chưa từng có, với 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an... vào Nam hỗ trợ chống dịch.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, chiến lược văcxin toàn dân đã được ban hành. Chiến lược ngoại giao văcxin đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều, mạng lưới tiêm chủng được hình thành với 15.000 điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y... được huấn luyện để tiêm chủng. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều.

Đến 23/12, cả nước đã tiêm được tổng cộng 143 triệu liều văcxin Covid-19, trong đó mũi một là 76,6 triệu, mũi hai là 64,8 triệu. Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 được cập nhật trên ứng dụng điện thoại như một loại giấy thông hành để người dân tham gia các hoạt động xã hội.

Bên cạnh đó, các ứng dụng quản lý, nhận diện, theo dõi bệnh nhân và ứng dụng y tế toàn dân đã được phát triển đưa vào thực tế, giúp gia tăng khả năng kiểm soát dịch bệnh và tạo tiền đề cho mở cửa kinh tế. Đến cuối tháng 10, dịch bệnh cơ bản được khống chế tại TPHCM. Nghị quyết 128 của Chính phủ tạo hành lang pháp lý cho các địa phương mở cửa trở lại, thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm, nỗi lo Covid-19 vẫn hiện hữu, khi số ca lây nhiễm tại nhiều địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội lại tăng cao.

Cả xã hội thay đổi thích nghi với dịch

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đáng sợ khi tạo ra hệ quả nặng nề cho xã hội. Số ca nhiễm và tử vong tăng cao buộc Chính phủ phải thực hiện Chỉ thị 16, 16+ trên cả nước trong thời gian dài.

Biến chủng Delta với tốc độ lây nhanh và âm thầm khiến các khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành nơi truyền nhiễm lý tưởng. Do đó, hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất tại các trung tâm sản xuất như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng Đông Nam Bộ buộc phải đóng cửa hoặc giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn cao trào của dịch bệnh vào quý III, đã có 31,8 triệu lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cơ hội việc làm giảm sút và nguy cơ nhiễm bệnh hiện hữu khiến lần đầu tiên trong cả nước xuất hiện cuộc “thiên di” của lao động từ các trung tâm công nghiệp để hồi hương.

hoc-obkine.jpg

Ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh lần này phải kể đến 22 triệu học sinh - sinh viên. Phần lớn trong số này chỉ đến trường khoảng hai tháng, nghỉ hè 3 tháng và học online 7 tháng còn lại.

Trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử nay phải sử dụng nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho lớp 1 đến thực hành của sinh viên đều tiến hành online, qua livestream, video mô phỏng. Khối trẻ mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Kinh tế - điểm sáng trong dịch

Hai đợt dịch bùng phát vào đầu và giữa năm đã kéo sụt tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhất là trong đợt dịch thứ 4, các khu công nghiệp, khu chế xuất là những nơi bị dịch tấn công nặng nề. Hàng loạt xí nghiệp, nhà máy, công trường tạm dừng hoạt động để phòng dịch và sức mua giảm mạnh khiến GDP quý III lần đầu tiên tăng trưởng mức âm 6,17%.

Tính chung chín tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%, cả năm chỉ tăng 2,58% - thấp hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm (khoảng 6 - 6,5%). Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc danh sách đứng đầu mà cả thế giới ghi nhận.

Dịch bệnh cũng khiến sức chống chịu cũng như nguồn lực của doanh nghiệp giảm sút mạnh. Năm 2021 ghi nhận gần 120.000 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

xuat-nhap-khau.jpg

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong năm 2021 trong độ tuổi là 3,22% (quý 1 là 2,42%; quý 2 là 2,62%; quý 3 là 3,98%; quý 4 là 3,56%), mức thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, càng về cuối năm 2021, “sức khỏe” của các doanh nghiệp Việt càng có tín hiệu phục hồi: Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD tháng 11/2021, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% so với tháng 10/2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu hút vốn FDI tăng mạnh, năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đặc biệt về vốn đăng ký cấp mới, có 1.738 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 15,25 tỷ USD, giảm 31,1% về số dự án và tăng 4,1% về số vốn đăng ký so với năm trước.

Điều này thể hiện thu hút vốn FDI vào Việt Nam ngày càng được chọn lọc, tập trung vào các dự án lớn, có ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, càng về những tháng cuối năm 2021, những vấn đề của nền kinh tế càng bộc lộ rõ. Bên cạnh việc giải ngân đầu tư công không đạt được như kế hoạch đã đặt ra, sự phục hồi của doanh nghiệp cũng chưa được như mong muốn và sự phát triển “nóng” của một số thị trường (như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…) cũng khiến nền kinh kế đứng trước những rủi ro tiềm ẩn.

2022 vẫn biến động, thách thức cơ hội đan xen

Năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm thách thức và cơ hội đan xen khi tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Biến thể mới Omicron đang gây ra lo ngại sẽ tạo ra hậu quả nặng nề hơn, do đó nguy cơ gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy vẫn hiện.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, độ phục hồi của kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và khả năng bắt nhịp của Việt Nam. Tín hiệu khả quan là các đối tác thương mại chính của Việt Nam đều được dự báo có đà phục hồi tốt.

kinh-te-2022.jpg

Kèm theo đó là khả năng ứng phó với dịch bệnh của doanh nghiệp và nỗ lực cải cách thể chế và khả năng đổi mới của Chính phủ.

Cùng với thế giới, Việt Nam đã thay đổi chiến lược, sống chung với dịch bệnh, nhưng các nguy cơ dịch bệnh cản trở quá trình phục hồi không nhỏ.

Kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc vào những tháng cuối năm là do chuyển từ chiến lược "Zero Covid" sang "Thích ứng linh hoạt với Covid" dần nới lỏng giãn cách và mở cửa nền kinh tế. Kết quả là nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Covid-19 vẫn phức tạp, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động năm 2022 có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%. HSBC dự báo 6,8%, còn Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Jacquest Morisset đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng".

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top