Nhịn ăn có tốt cho sức khỏe?

Liên quan đến việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhịn ăn và thiền suốt 49. câu hỏi là nhịn ăn sẽ khiến cơ thể thay đổi thế nào, có nên nhịn ăn để giảm cân?

Nhịn ăn dài ngày có thể tử vong

Đề cập đến vấn đề nhịn ăn, GS.TS Bùi Minh Đức – Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích, từ xa xưa và đặc biệt trong thế kỷ XIX – XX đã có khá nhiều thầy thuốc Đông và Tây y sử dụng phương pháp chữa bệnh bằng nhịn ăn. Đây là biện pháp dựa trên tác động sinh lý chuyển hóa bình thường của cơ thể tự điều chỉnh, thích nghi, nhằm đáp ứng các hoạt động chuyển hóa tối thiểu về tiêu hao năng lượng và đào thải các chất cặn bã độc hại tích lũy trong các tế bào mô, tổ chức và tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Đã có khá nhiều bệnh nhân sau khi nhịn ăn gần 2 tuần, chất lượng máu được đổi mới, hồng cầu tăng từ 1,5 triệu lên trên 3 triệu, sắc tố máu tăng từ 50 lên 80% và bạch cầu từ 37 nghìn giảm xuống còn 14 – 15 nghìn. Trong thời gian nhịn ăn, sau khi sử dụng hết các chất dự trữ trong gan, cơ thể bắt đầu tiêu hóa các mô để tự nuôi dưỡng. Đầu tiên là những tổ chức mô không quan trọng. Tiếp theo là một phần các mô quan trọng như cơ bắp và sử dụng hết sức tiết kiệm để vẫn đảm bảo cung cấp dè xẻn các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, lipit, glucid, vitamin, chất khoáng cho các cơ quan trọng yếu như não, tim, nhằm duy trì và đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về điều hòa thần kinh miễn dịch…

Trong trường hợp một người nhịn ăn quá dài thì cơ thể phải lấy mỡ, lấy thịt ra để bù đắp chuyển hóa cơ bản, duy trì các chức năng quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên, việc nhịn ăn dài ngày rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe vì thiếu hụt vitamin B1. Đây là loại vitamin rất cần cho hoạt động của tim, nếu không đủ vitamin B1, tim có thể ngừng đập.

Câu chuyện nhịn ăn thời gian bao lâu hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Con người một tuần có thể nhịn ăn 1 – 2 bữa, người bị tiêu chảy nhịn ăn 1 – 2 ngày không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng nếu nhịn ăn trên 7 ngày/tuần sẽ khiến cơ thể thiếu rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt nếu để hạ đường huyết sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Vì vậy, đối với những người nhịn ăn chữa bệnh rất cần sự theo dõi và quản lý chặt chẽ của thầy thuốc.

Nói đến trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ, TS Từ Ngữ – Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, ông Vũ nhịn ăn dài ngày, nhưng vẫn uống nước mè đen đều đặn, vì vậy được cung cấp rất nhiều protein và lipip cho cơ thể. Đây là hai chất cung cấp năng lượng chính, nên cơ thể sẽ duy trì được hoạt động cơ bản.

Phải thực hiện đúng cách

Là người đã có hàng chục năm nghiên cứu và hướng dẫn về nhịn ăn, bác sĩ Dư Quang Châu – Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng bấm huyệt Thập chỉ liên tâm cho biết, từ xưa đến nay vẫn luôn tồn tại hai trường phái: Ủng hộ và phản bác về phương pháp nhịn ăn. Phía phản bác cho rằng, nhịn ăn sẽ bị yếu tim, dạ dày thu hẹp lại, vị toan công phá dạ dày. Con người chỉ nhịn ăn 5 – 7 ngày là có thể kiệt sức dẫn đến tử vong.

Trong khi phía ủng hộ lại khẳng định, nhịn ăn là cách hữu hiện nhất nhằm gột rửa các chất độc ra khỏi cơ thể, cân bằng âm dương, cải thiện sự tuần hoàn và hô hấp. Sinh lực đáng lẽ phải dồn vào công việc tiêu hóa thức ăn nay được dành để chữa trị, bù đắp các tạng phủ, cơ quan bị suy tổn. Hệ thần kinh được thư giãn, bắp thịt thoải mái nghỉ ngơi, nội tạng làm việc ít đi, sinh lực con người được cải tạo, nhờ đó sẽ ảnh hưởng tốt đến trí não và nhận thức.

“Hàng ngày, chúng ta ăn đều đặn, sự thừa mứa, tích tụ quá lâu các thức ăn dự trữ mà không được dùng đến dễ biến thành bệnh tật. Sức khỏe con người bị suy giảm phần lớn không phải vì thiếu ăn mà vì tích trữ quá nhiều chất độc trong người. Khi nhịn ăn, bên ngoài cơ thể sẽ gầy đi, còn bên trong cơ thể sẽ “đốt” những thức ăn thừa thải, vô bổ, thậm chí có hại để nuôi các cơ quan trọng yếu và tích cực bài thải cặn bã ra ngoài. Vì vậy, nhịn ăn không chỉ để giảm béo mà chính là để chữa bệnh” – bác sĩ Châu nói.

Cũng theo bác sĩ Châu, ai cũng có thể nhịn ăn, giảm béo, chữa bệnh, song không thể nhịn tùy tiện, mà tuyệt đối tuân theo hướng dẫn cụ thể. Nên thực hiện đầy đủ bốn giai đoạn của một đợt nhịn ăn: Chuẩn bị, nhịn ăn chính thức, chuẩn bị ăn lại và bắt đầu ăn bình thường. Những người bị ốm, thân thể đang suy kiệt, người bị bệnh cấp tính, ác tính, người đang có thai, cho con bú… không nên áp dụng phương pháp này.

Trong thời gian nhịn ăn, nên nghỉ ngơi hoặc hoạt động vừa phải, tránh mọi cử động đột ngột vì có thể bị xây xẩm mặt mày. Thời gian nhịn ăn càng dài thì sự sụt cân ngày càng chậm bớt lại. Trong 2 – 3 ngày đầu nhịn ăn, có người sụt đến 2 – 3kg. Nhưng sự sụt cân này không phải vì tiêu hao thịt mà phần lớn là do thực phẩm và phân trong dạ dày và ruột được tống thải ra mà không được thay thế. Những ngày sau, mỗi ngày chỉ giảm được 125gr

Trong khi nhịn, người nhịn ăn sẽ trải qua một giai đoạn không có cảm giác thèm ăn và hoàn toàn cảm thấy khỏe mạnh, nhưng một khi bắt đầu thèm ăn trở lại hoặc có dấu hiệu mệt mỏi thì phải từ từ ăn lại, tiến tới ăn uống bình thường để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất là thực hiện dưới sự tư vấn và theo dõi của người có chuyên môn.

Đối với người béo, bác sĩ Châu khuyên nên nhịn ăn 5 – 7 ngày và thực hiện lại 6 tháng hoặc một năm. Đối với người bình thường có thể thực hiện nhịn ăn ngắn hạn, mỗi tuần một ngày hoặc mỗi tháng 2 – 3 kỳ, mỗi kỳ 3 ngày tùy theo sở thích.

Nhịn ăn không giết được tế bào ung thư
Nhịn ăn, hoặc không ăn chất đạm để giết khối u là một quan điểm phản khoa học và rất nguy hiểm đối với người bệnh. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều người bệnh ung thư nghe theo và áp dụng. Họ không hiểu rằng bản chất của bệnh ung thư là các tế bào ung thư lấy ngay những yếu tố dinh dưỡng của cơ thể, của những tế bào lành để phát triển xâm lấn vào các tổ chức xung quanh, vào tế bào lành, biến các tế bào lành phục vụ cho tế bào ung thư. Việc nhịn đói hay không nhịn đói, tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn.

Tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, đối với những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng thì ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó, nếu bị đói ăn, thiếu dinh dưỡng, bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết do bệnh ung thư.
GS.TS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam

Không nên chạy theo trào lưu
Thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp sống khỏe mạnh mà không cần ăn uống. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa chứng minh được cơ chế và mặt lợi hại của nó. Có những người áp dụng thành công, nhưng cũng không ít trường hợp tử mạng vì nhịn ăn. Vì vậy, không nên chạy theo trào lưu mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Cơ thể con người cần nhu cầu dinh dưỡng, bao gồm năng lượng, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất…

Thông thường, một nữ giới trưởng thành cần ăn để nạp đủ 1.800 – 2.200 kilo calo mỗi ngày nhằm duy trì sự sống và có sức lực làm việc, hoạt động bình thường. Nam giới cần 1.800 – 2.400 kilo calo mỗi ngày. Nếu ăn không đủ thì cơ thể sẽ mệt mỏi, suy kiệt, khó hoạt động, làm việc bình thường.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

Theo Hà Linh (KTĐT)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top