Nhiều quốc gia đã tạm dừng xuất khẩu một số loại lương thực, thực phẩm chủ chốt

Xung đột Nga - Ukraine làm ảnh hưởng nguồn cung khiến giá thực phẩm và phân bón leo thang, đe dọa đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng lương thực.

Hiện đã có chính phủ Ai Cập tạm dừng xuất khẩu trong 3 tháng với dầu ăn, ngô và lúa mì. Nguyên nhân là do nước này nhập tới 80% lúa mì từ Nga và Ukraine.

Các nước châu Âu như Serbia, Hungary và Rumani cũng đã đưa ra biện pháp tương tự để tăng dự trữ trong nước. Nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới Indonesia cũng tuyên bố thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng này để ưu tiên nguồn cung nội địa.

Gần ba tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt sản xuất trong khu vực tăng chóng mặt.

Vì Nga và Ukraine đóng góp tới 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu, 19% nguồn cung ngô và 80% kim ngạch xuất khẩu dầu hướng dương.

Vấn đề lớn khác là nguồn cung phân bón lớn từ Nga đang bị đình trệ khiến mặt hàng này tăng giá nhanh chóng. Sản lượng phân bón ở châu Âu cũng sụt giảm nghiêm trọng do giá khí đốt tự nhiên tăng, vốn là thành phần chính trong nhiều loại phân bón như phân ure.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng nông nghiệp các nước G7 kêu gọi các nước "duy trì mở cửa đối với thị trường nông sản và thực phẩm, chấm dứt các biện pháp hạn chế phi lý lên hoạt động xuất khẩu".

Các bộ trưởng nông nghiệp G7 cho rằng, tăng giá cùng biến động của thực phẩm trên thị trường quốc tế có thể đe dọa an ninh lương thực và dinh dưỡng ở quy mô toàn cầu. Đặc biệt ảnh hưởng tới các khu vực đói kém.

Ngoài ra, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass hy vọng các nhà sản xuất trên thế giới sẽ phản ứng mạnh mẽ để tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực tế và người dân không cần phải tích trữ lương thực.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn còn quá sớm để đánh giá được đầy đủ tác động của tình hình căng thẳng Nga-Ukraine đối với các nguồn cung cấp ngũ cốc và cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Theo Đời sống
back to top