Nhiều phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể không đau đớn

(khoahocdoisong.vn) - Sỏi thận được tạo ra bằng cách kết hợp những phần tử nhỏ bé lại với nhau, theo thời gian, sỏi thận sẽ lớn dần lên và gây ra triệu chứng đau, điển hình là các cơn đau quặn thận dữ đội. Có năm loại thành phần hóa học chính cấu thành sỏi thận là canxi oxalate, canxi phốt phát, struvite, axit uric và cysteine. Trong đó, các sỏi thận có thành phần hóa học là canxi oxalate là phổ biến nhất.

Theo BSCKII Phạm Huy Huyên, PCT Hội thận tiết niệu miền Bắc, nhiều người mắc sỏi thận nhưng không phải trường hợp nào cũng phải xử lý sỏi. Việc xử lý chỉ diễn ra khi viên sỏi gây ra viêm nhiễm, đau, ảnh hưởng cuộc sống người bệnh. Trước đây việc xử lý sỏi thận thường phải mổ mở nhưng hiện nay, kỹ thuật phát triển, có nhiều phương pháp lấy sỏi ít xâm lấn như tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laze, tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, tán sỏi nội soi ống mềm…

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laze

Phương pháp này áp dụng cho sỏi niệu quản ở mọi vị trí nhưng hiệu quả nhất vẫn là sỏi niệu quản ở 1/3 giữa và 1/3 dưới, sỏi 1/3 trên tán ngoài cơ thể. Sỏi được tán vụn bằng năng lượng lazer, sau khi sỏi đã vỡ, các mảnh sỏi được gắp ra ngoài bằng rọ hoặc kìm gắp sỏi. Kỹ thuật này là phẫu thuật theo đường tự nhiên của cơ thể (đường dẫn nước tiểu) nên không có vết mổ, không có tai biến, đạt tỷ lệ sạch sỏi gần như tối đa. Bệnh nhân chỉ gây tê và có thể ra viện sau 24 giờ. Kỹ thuật này áp dụng hiệu quả trên bệnh nhân có sỏi niệu quản nhỏ hơn 15mm, không có rối loạn đông máu, không áp dụng cho các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu chưa điều trị ổn định, bệnh nhân có thận ứ nước độ III, IV. 

 Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ

Với những viên sỏi có kích thước lớn (3cm) người ta phải tán ngoài cơ thể, tán qua da. Phương pháp này thay thế cho mổ mở, trong trường hợp không có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể. Cụ thể, bác sĩ sẽ đặt sonde niệu quản, bệnh nhân chuyển tư thế nằm sấp. Chọc dò đài thận dưới hướng dẫn của X-quang hoặc siêu âm. Bác sĩ sử dụng ống nội soi thận nhỏ được đưa qua đường hầm vào thận. Dùng máy tán sỏi công suất lớn để tán vụn sỏi sau đó kiểm tra thấy hết sỏi sẽ đặt dẫn lưu thận. Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ hầu như không thấy sẹo, ít đau, ít chảy máu, giảm các tỉ lệ biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, mức độ ảnh hưởng chức năng thận rất nhỏ và đặc biệt, tỷ lệ tái phát sỏi sau nội soi giảm nhiều so với mổ mở lấy sỏi.

Tán sỏi nội soi ống mềm

Đây là kỹ thuật cao, chỉ thực hiện ở một số bệnh viện lớn có trang bị máy soi niệu quản và máy lazer công suất lớn. Ưu điểm của phương pháp này là quá trình chăm sóc sau phẫu thuật nhẹ nhàng, bệnh nhân sau mổ không đau, không có sẹo, thời gian nằm viện từ 1-2 ngày. Phương pháp này thường áp dụng đối với bệnh nhân cao tuổi, toàn thân yếu, gây mê kém. Bác sĩ đặt ống mềm lên trên thận, vị trí nào của sỏi cũng tiếp cận được. Viên sỏi bị làm vỡ bằng lazer và được lấy ra, kể cả khi sỏi nằm ở đài trên, đài giữa, đài dưới thận nhưng nhược điểm của phương pháp là chi phí cao, ống mềm đắt, hay hỏng.

Những người từng có sỏi oxalate nên hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống như soda, trà đá, socola, cà phê, hạn chế ăn cải bó xôi, củ dền và các loại hạt vì đây những loại thực phẩm chứa nhiều oxalat. Hạn chế uống bổ sung vitamin C hằng ngày vì có thể dẫn đến thừa vitamin C, làm tăng hấp thu canxi từ ruột, canxi trong máu cao gây sỏi thận. Những người có cơ địa dễ hình thành sỏi cần năng tập thể dục, vận động như đi bộ, đạp xe để không tạo điều kiện cho sỏi lắng đọng.

Xuân Hoài

Theo Đời sống
back to top