Nhiều "ông lớn" vào cuộc, hạ tầng hàng không Việt thêm quá tải

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, thị trường hàng không xuất hiện thêm các hãng bay mới hành khách sẽ được hưởng lợi nhưng tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu hụt nhân lực là thách thức lớn.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy định, giấy phép kinh doanh HK (ngành đặc thù) phải được Thủ tướng phê duyệt. Quy trình xin phê duyệt sẽ đi từ sở tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó lấy ý kiến các bộ, ngành rồi trình Thủ tướng phê duyệt. Tiếp đó, Cục HK Việt Nam mới nhận hồ sơ của doanh nghiệp để cấp phép bay.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực HK nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao đang khan hiếm cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm sẽ cung cấp 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Dù chưa công bố, nhưng Vinpearl Air được cho là có khả năng sẽ tham gia thị trường đang cạnh tranh khốc liệt giữa Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet, Vasco và Bamboo Airways. Vietravel Airlines (Công ty Du lịch Vietravel) và Hãng HK thủy phi cơ Hải Âu (Thiên Minh Group) cũng đang nhập cuộc. Thiên Minh Group sau thương vụ "đứt gánh" với Hãng HK Air Asia (Malaysia) cũng chính thức lập Công ty CP HK Thiên Minh, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6, Vietravel cũng trình hồ sơ thành lập Hãng HK Vietravel Airlines 100% vốn của công ty này.

Theo một số chuyên gia, thị trường vận tải hàng không liên quan nhiều đến vấn đề an toàn, an ninh và cả an ninh quốc phòng. Việc xuất hiện nhiều hãng bay mới sẽ đem lại lợi ích cho hành khách nhưng sẽ là bài toán đau đầu khi hạ tầng đang rất quá tải. Sân bay Tân Sơn Nhất không đủ điều kiện cho phép cất/hạ cánh nhiều hơn trong giờ cao điểm.

Năm 2018, lượng hành khách qua cảng này trên 38 triệu người, trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu. Việc đào tạo phi công cũng vài ba năm và phải 6-7 năm mới có kinh nghiệm để bay. Để giải bài toán hạ tầng hiện nay, chỉ nên khuyến khích khai thác những sân bay nhỏ, máy bay nhỏ như máy bay trực thăng, dưới 20 chỗ ngồi, sử dụng sân bay với đường băng ngắn 1.200 m. Đặc biệt, những doanh nhân muốn bay đến các tỉnh để làm ăn, có thể đi máy bay nhỏ đến các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL… tạo ra một lượng lưu thông hàng không bổ sung cho thị trường.

Theo Đời sống
back to top