Nhiều nhầm lẫn trong tự chủ đại học ở Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Theo ông Châu Dương Quang, Khoa Chính sách và Quản lý giáo dục, Trường Đại học SUNY Albany, tự chủ đại học ở Việt Nam hiện đang tồn tại nhiều cái sai và nhầm lẫn.

Tự chủ đại học được hiểu như tự chủ tài chính

Theo ông Châu Dương Quang, cái sai thứ nhất là tại Việt Nam, tự chủ đại học gần như được hiểu là tự chủ tài chính. Tài chính quả là một trong những lí do chủ yếu thúc đẩy các ý tưởng cải cách giáo dục trên thế giới. Nhưng điều đáng nói là ở Việt Nam, sự tập trung vào khía cạnh tài chính trong các cải cách giáo dục đại học đang ở mức cực đoan.

Trong khi đó, chẳng ở đâu mà nhà nước lại hoàn toàn ngừng cấp ngân sách (chi thường xuyên) cho các trường đại học công lập, và cũng chẳng ở đâu mà các trường đại học công lập lại vui mừng đón nhận việc tự chủ thu chi như ở Việt Nam.

Nhiều người lập luận rằng, ở Việt Nam hiện nay chỉ có tự chủ tài chính là thực hiện được ngay, còn tự chủ các mặt khác thì phải chờ. Lập luận này nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế thì luôn có kha khá không gian để các trường đại học tự do “vùng vẫy”, quan trọng là họ có thật sự muốn hay dám nhận lấy sự tự do đó và có đủ quyết tâm để dần dần nới rộng vùng tự do hay không.

Thờ ơ với “chân thắng” giải trình, chỉ chăm chăm “đạp ga” tự chủ

Cái sai thứ hai trong trào lưu tự chủ đại học hiện nay là sự phủ nhận vai trò của nhà nước.

Ở hầu hết các nước, nền đại học công lập được xem là một công cụ quan trọng mà nhà nước sử dụng để điều hành xã hội. Đương nhiên là tùy từng nước mà khái niệm “điều hành” mang ý nghĩa khác nhau.

Ngay cả tại Mỹ, nơi vai trò của nhà nước trong nền đại học rất mờ nhạt so với các nước ở châu Âu thì nhà nước vẫn có những cơ chế dẫn dắt đại học theo một số định hướng nhất định.

Ví dụ, chỉ khi nào một trường đại học được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định do Bộ Giáo dục công nhận thì sinh viên trường đó mới được vay vốn của chính phủ liên bang. Xét cho cùng thì nhà nước là một trong nhiều nhóm đối tượng mà nền đại học công lập có sứ mạng phải phục vụ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, ẩn phía sau những kêu gọi tự chủ đại học là sự phủ định vai trò của nhà nước.

Những ý tưởng tự chủ đại học đầu tiên đã nêu ra đầy đủ 2 khía cạnh: Tự chủ và trách nhiệm giải trình; và nhà nước là một đối tượng quan trọng mà các đại học cần phải giải trình. Có người ví đây là chân ga và chân thắng, đảm bảo cho các đại học phát triển đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều nhà ủng hộ tự chủ đại học sau này đã tỏ ra thờ ơ với trách nhiệm giải trình, trong khi họ chỉ chăm chăm đạp ga mà thôi.

Nhầm lẫn: Đem mô hình tự chủ đại học tư thục phi lợi nhuận Mỹ áp vào đại học công lập

Cả hai cái sai ở trên, theo ông Quang đều xuất phát trước hết từ việc tiếp nhận không đầy đủ các ý tưởng về tự chủ đại học của phương Tây, nhất là Mỹ - nước mà các nhóm ủng hộ tự chủ đại học Việt Nam hiện nay tham khảo nhiều nhất, để rồi cũng có nhiều ngộ nhận nhất.

Để chứng minh điều đó, có thể chỉ ra ví dụ liên quan đến hội đồng trường, một trong những chính sách được cho là cốt lõi của trào lưu tự chủ đại học Việt Nam hiện nay.

Ở Mỹ, chỉ các đại học tư thục phi lợi nhuận mới lựa chọn phần lớn các thành viên hội đồng trường thông qua bầu cử - còn tại đa số các đại học công lập, phần lớn hội đồng này là do chính quyền bang bổ nhiệm.

Khi về đến Việt Nam, khái niệm hội đồng trường thường được hiểu với một sắc thái dân chủ quá đà: hội đồng trường cần phải thông qua bầu cử. Vì thế, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, dưới áp lực của trào lưu tự chủ đại học, đã quy định rằng một số lượng đáng kể thành viên hội đồng trường của đại học công lập được lựa chọn thông qua bầu cử.

Nói cách khác, các nhóm kêu gọi tự chủ đại học Việt Nam đã đem mô hình tự chủ của đại học tư thục phi lợi nhuận Mỹ áp vào mô hình tự chủ của đại học công lập Việt Nam, trong khi hai loại trường này rất khác nhau tại Mỹ.

Nhầm lẫn thứ hai, đó là việc một trường đại học công lập tự chủ tài chính gần đây có những tiến bộ nhất định trong hoạt động nghiên cứu khoa học và có những thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng trong và ngoài nước đã làm nhiều người khẳng định rằng tự chủ đại học mang lại chất lượng. Đây là một nhận định nhầm lẫn! Tự chủ đúng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy chất lượng nhưng không phải là yếu tố duy nhất – và cũng không chắc là yếu tố quan trọng nhất – quyết định chất lượng. Điều mà chúng ta có thể kết luận chỉ là: các chính sách tự chủ đúng đắn sẽ tạo ra một bệ phóng cho trường đại học phát triển.

Nhầm lẫn thứ ba là nhầm lẫn khái niệm: Phi tập trung hóa (decentralization) và tự chủ (autonomy).

Phi tập trung hóa là giao quyền quản lí xuống cho cấp dưới, trong khi nội hàm của tự chủ là kêu gọi sự tham gia của đông đảo cộng đồng trong việc quản trị. Phi tập trung hóa tạo điều kiện cho tự chủ, nhưng không bảo đảm sẽ có tự chủ.

Ở Việt Nam, những tiếng nói kêu gọi tự chủ hiện nay, thực chất chỉ mới dừng lại ở việc kêu gọi phi tập trung hóa: giao quyền xuống cho (hiệu trường/hội đồng) các trường. Các thảo luận, đề xuất về tự chủ đại học hiện nay rất ít khi nghe (hầu như không thấy) lãnh đạo bộ và lãnh đạo trường tham khảo ý kiến của giảng viên và sinh viên về các kế hoạch tự chủ. Dường như quyền quản lí chỉ đang được nhóm dưới giành lấy từ nhóm trên, chứ nó chưa hề được “xã hội hóa” cho cộng đồng!

Xây nhà từ móng

"Tôi nghĩ trào lưu tự chủ đại học sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều khả năng kết quả sẽ chỉ dừng lại ở các mục tiêu tài chính, trong khi chưa chạm được đến các mục tiêu khác cốt lõi hơn: Tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy, tự do học tập... Vì thế, tôi cho rằng Nhà nước cần tích cực hơn với vai trò “trọng tài lâm thời”: Trước khi giao quyền tự chủ, Nhà nước cần buộc các trường phải công khai kế hoạch hành động nhằm khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào việc quản trị trường, đồng thời tham gia giám sát việc thực thi các kế hoạch này. Chỉ khi nào mở rộng được sự tham gia đến giảng viên và sinh viên thì tự chủ đại học mới đi đúng hướng và bền vững.

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng có thể góp phần đưa trào lưu tự chủ đại học Việt Nam trở về đúng ý nghĩa của nó bằng cách cùng sinh viên thay đổi cách tư duy, cách học – bắt đầu từ việc thực hành tư duy phản biện. Chỉ khi nào thầy cô và sinh viên đề cao và có khả năng suy nghĩ độc lập thì các đại học mới có thể tự quản được. Và việc thực hành tư duy phản biện thì chưa cần đến một cải cách tài chính cực đoan như hiện nay",  ông Châu Dương Quang, Khoa Chính sách và Quản lý giáo dục, Trường Đại học SUNY Albany.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top