Nhiều nguyên nhân gây suy tim

(khoahocdoisong.vn) - Có rất nhiều nguyên nhân gây suy tim nhưng gần 1/2 bệnh nhân suy tim không tìm được nguyên nhân. Suy tim có thể có nhiều biểu hiện khác nhau; trong đó khó thở khi làm việc nặng có thể là một trong những dấu hiệu gợi ý. 

Có nhiều nguyên nhân gây nên suy tim như:

1. Nhồi máu cơ tim cũ (khi động mạch vành cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim có một chỗ bị tắc gây nhồi máu, một số vùng cơ tim chết đi, thành sẹo làm giảm khả năng co bóp của quả tim.

2. Tăng huyết áp mạn tính làm quả tim phải làm việc quá sức trong một thời gian dài do phải bóp với một lực mạnh hơn để thắng được sức cản lớn trong lòng mạch (do tăng huyết áp), lâu dần sẽ làm tim bị suy.

3. Bệnh van tim gây hở hoặc hẹp van tim, khi đó hoặc tim phải bóp nhiều hơn (do hở van tim) hoặc bóp mạnh hơn (do hẹp van tim), lâu ngày cũng sẽ gây suy tim.

4. Bệnh tim bẩm sinh. 

5. Bệnh cơ tim do rượu: Uống quá nhiều rượu làm co bóp cơ tim bị yếu đi.

6. Viêm cơ tim, nhất là viêm cơ tim do virus.

7. Do rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài, mạn tính gây suy tim.

8. Suy tim cũng hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, dù không phải đái tháo đường là nguyên nhân gây bệnh duy nhất.

9. Suy tim còn gặp ở bệnh nhân uống thuốc hoá chất để điều trị ung thư hoặc một số loại thuốc đặc biệt khác. Tuy nhiên, có tới 40% không thể tìm được một nguyên nhân cụ thể nào gây suy tim.

Suy tim có thể có nhiều biểu hiện khác nhau; trong đó khó thở khi làm việc nặng có thể là một trong những dấu hiệu gợi y. Tuy nhiên, không phải cứ khó thở khi làm việc nặng là có suy tim, bởi nhiều khi rất khó khăn để phân biệt được chính xác nguyên nhân của các dấu hiệu trên là do suy tim hay do bệnh ở phổi hoặc do tình trạng khác

Suy tim thường là hậu quả của nhiều bệnh tim gây ra, vì thế, thường phải làm nhiều xét nghiệm để chẩn đoán. Các bác sĩ hỏi tiền sử bệnh, tìm các dấu hiệu như phù mắt cá chân, dùng ống nghe để nghe tiếng tim hoặc phát hiện có nước trong phổi. Nhiều xét nghiệm được dùng để khẳng định chẩn đoán, tìm nguyên nhân gây ra suy tim và đánh giá mức độ nặng của bệnh.

Điện tim không dùng để chẩn đoán suy tim, nghĩa là không thể nói chắc chắn có hay không có suy tim nếu chỉ nhìn vào kết quả điện tim đơn thuần, nhưng cũng thấy được một vài bằng chứng của bệnh gây suy tim hoặc các biểu hiện rối loạn nhịp tim. Chụp phim tim phổi có thể chỉ ra tình trạng tim to, tình trạng ứ nước trong phổi mặc dù cũng khó long chẩn đoán được suy tim.

Ngày nay, siêu âm tim là xét nghiệm cơ bản, cho phép đo đạc kích thước buồng tim, phát hiện các bệnh lý van tim, đánh giá sức co bóp cơ tim. Thông thường mỗi lần làm siêu âm tim mất chừng 15 - 60 phút. Những kỹ thuật mới như chụp xạ hình cơ tim, chụp cản quang buồng tim… được áp dụng để đánh giá chính xác cũng như điều trị có hiệu quả nguyên nhân gây suy tim.

Phân số tống máu (EF tính bằng %) là chỉ số để đo phần trăm lượng máu được quả tim bóp (tống) ra khỏi buồng tim trong mỗi nhát bóp, thường trong khoảng 55 - 70%. Bệnh nhân suy tim ứ huyết thường có EF giảm nhiều. Tuy vậy, một con số EF đơn thuần không hề nói lên toàn cảnh của bệnh: Một số người đã biểu hiện suy tim nặng nề khi EF mới giảm xuống 40%; song một số khác thậm chí lại chẳng biểu hiện gì ngay cả khi EF chỉ còn 20%. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân và diễn biến của suy tim.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top