Nhiều hoạt động thắp lửa tri thức nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (ngày 21/4 hằng năm) nhiều hoạt động sôi nổi phát động phong trào đọc sách đã diễn ra trong cả nước.
sach.jpg
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM.              Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bắt đầu từ năm nay, dịp 21-4 hằng năm sẽ được tổ chức thành sự kiện "Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam" trên phạm vi cả nước theo quyết định 1862 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 4-11-2021.

Tại Hà Nội, các hoạt động giới thiệu sách, quảng bá văn hóa đọc chào mừng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất sẽ diễn ra tại Phố Sách Hà Nội từ ngày 21/4 đến ngày 1/5/2022. Ngoài ra, “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”; “Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc được Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức.

Tại Phố Sách Hà Nội trong lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào đọc sách.

Để hưởng ứng Lễ phát động phong trào đọc sách, với mong muốn đưa văn hóa đọc trở thành một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng; góp phần tạo thói quen đọc sách, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng, tại Lễ phát động, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã tặng 1.000 đầu sách cho 02 đơn vị là Ban Quản lý Phố sách Hà Nội và Trung tâm tư vấn và tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

sach_cong_dong-16.jpg
Các thành viên Dự án Sách cộng đồng.                                                   Ảnh BTC

Trong khuôn khổ chương trình, Công ty Văn hóa Tân Việt (Tân Việt Books) cũng giới thiệu tới công chúng Dự án Sách cộng đồng. Đây là Dự án Tân Việt Books phối hợp cùng các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các thôn, bản tổ chức với tên gọi “Nhà văn hóa & Không gian văn hóa đọc cộng đồng”.

Theo bà Kim Thoa - CEO Tân Việt Books, dự án xây dựng trên nền tảng cơ sở vật chất của nhà văn hóa cũ tại các thôn bản, tỉnh thành, đã được nhà nước đầu tư. Dự án kêu gọi nguồn lực từ các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp phát triển văn hóa đọc cho quê hương. Tri thức là ánh sáng soi đường dẫn lối cho cuộc đời mỗi con người. Việc đọc sách là quan trọng với quá trình phát triển và trưởng thành của mỗi người. Sức mạnh trí tuệ của cộng đồng sẽ trở thành nguồn lực cho mỗi quốc gia. Vì vậy, dự án “Nhà văn hóa & Không gian văn hóa đọc cộng đồng” đang tạo được hiệu ứng tốt với cộng đồng.

Cũng tại Phố Sách Hà Nội, ngày 22/4, NXB Phụ nữ Việt Nam đã chính thức ra mắt Quỹ sách Cộng đồng. Dự kiến, từ Quỹ sách Cộng đồng, sẽ có khoảng 10.000 bản sách dành tặng học sinh các vùng khó khăn, các khu công nghiệp và trại giam ở Việt Nam.

van-hoa-doc.jpg
NXB Phụ nữ trao tặng sách cho các bạn học sinh tiểu học.

Ngay trong buổi ra mắt Quỹ sách Cộng đồng, Quỹ Rosa Luxemburg (Đức) đã công bố tặng 1.000 cuốn sách cho Quỹ. Anh Hoàng Anh Đức – tác giả của bộ sách song ngữ Kể chuyện khoa học cam kết sẽ đồng hành cùng NXB Phụ nữ Việt Nam. Theo đó, cứ bán được 10 cuốn trong bộ Kể chuyện khoa học sẽ tặng Quỹ sách Cộng đồng 1 cuốn để tặng trẻ em vùng khó khăn.

sach-2.jpg
Buổi giao lưu, ra mắt sách “Kể chuyện khoa học” của tác giả Hoàng Anh Đức.

Cùng với ra mắt Quỹ sách Cộng đồng, NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi giao lưu với tác giả bộ sách Kể chuyện khoa học của Hoàng Anh Đức. Kể chuyện khoa học (Sci-Tales) là bộ sách truyện tranh khoa học gồm 6 cuốn dành cho thiếu nhi: Tại sao phải rửa tay?, Tại sao nước biển mặn?, Lửa đến từ đâu?, Máu chảy thế nào?, Cá có ngủ không?, Cầu vồng đi đâu? Đây chính là bộ sách truyện tranh khoa học cho thiếu nhi đầu tiên do người Việt Nam viết và vẽ tranh minh họa (ở thế loại Picture book/Ehon).

Tại TPHCM và đông đảo các tỉnh thành trong cả nước cũng diễn ra các hoạt động “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 24/4 tại các khu vực quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động đặc sắc. Hội Sách tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ là sự kiện chính. Hội Sách được thiết kế theo 3 không gian: không gian Chuyển đổi số, không gian "Thành phố sách" và không gian giới thiệu các mô hình văn hóa đọc như tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, thư viện thông minh…

sach-4.jpg
Các lãnh đạo TP HCM ghé thăm không gian mô hình lớp học ông đồ - Ảnh: L.ĐIỀN

Cũng tại không gian "Thành phố sách," giới trẻ mê công nghệ sẽ hài lòng và thích thú với những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo; khám phá các tác phẩm sách nói, sách điện tử trên nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ năng sống…; đặc biệt là tiếp cận, tương tác sách nói, sách 3D, thực tế ảo…

Ngày Sách được kỳ vọng sẽ tạo ra một đợt hoạt động trên quy mô lớn, ý nghĩa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa và tinh thần hiếu học, hiếu đọc của người dân trên cả nước.

Theo Đời sống
back to top