Nhiều glucose trong nước tiểu có đáng lo?

Khá nhiều bệnh nhân đái tháo đường hốt hoảng khi thấy kết quả xét nghiệm có glucose trong nước tiểu. Thủ phạm là do dùng các thuốc ức chế SGLT-2.

Hỏi: Tôi mới bị bệnh đái tháo đường, sau 3 tháng dùng thuốc đi khám lại, kết quả xét nghiệm có nhiều đường trong nước tiểu. Tôi rất lo lắng không rõ bệnh có nặng hơn, bị bệnh thận hay biến chứng gì khác?

Nguyễn Văn Nam (Hà Nội)

gluco-nuoc-tieu.jpg
Nhiều glucose trong nước tiểu có đáng lo?

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Không chỉ bạn mà khá nhiều bệnh nhân đái tháo đường, sau khi nhận kết quả xét nghiệm cũng hốt hoảng khi thấy kết quả xét nghiệm có glucose trong nước tiểu.

Xem lại đơn thuốc thì thấy thủ phạm là do dùng các thuốc ức chế SGLT-2. Trung bình mỗi ngày có 180l máu được đưa đến thận và thận sẽ lọc ra khoảng 180g glucose đưa vào nước tiểu.

Tuy nhiên, gần như toàn bộ lượng glucose này sẽ được tái hấp thu và đưa trở lại máu nhờ các enzym SGLT-2 (giúp tái hấp thu 90%) và SGLT-1 (giúp tái hấp thu 10% còn lại). Vì vậy, khi ức chế enzym SGLT-2 thì gần như toàn bộ lượng glucose được lọc ra sẽ không được tái hấp thu nữa và sẽ được đưa ra ngoài nước tiểu. Nhờ đó nó sẽ làm giảm lượng glucose trong máu.

Hiện ở Việt Nam có 2 loại thuốc thuộc nhóm này là Jardiance (viên 10 và 25mg) và Forxiga (viên 5 và 10mg). Ngoài tác dụng làm giảm đường huyết thì thuốc ức chế SGLT-2 còn có nhiều tác dụng tốt trên tim, thận... nên được chỉ định ngày càng nhiều.

Nếu bệnh nhân dùng loại thuốc này mà có nhiều glucose trong nước tiểu thì chứng tỏ thuốc có tác dụng tốt, người bệnh không cần phải lo sợ gì cả.

Nhưng nếu không điều trị nhóm thuốc ức chế SGLT-2 mà xét nghiệm lại có nhiều glucose niệu thì nhiều khả năng là người bệnh có đường huyết cao, cần đi khám sớm.

Theo Đời sống
back to top