Nhiều dự án đường thủy chậm trễ vì thủ tục môi trường

Các dự án nạo vét luồng đường thủy không lớn, thời gian thi công không dài, song thủ tục về môi trường khiến nhiều dự án bị chậm.

Ưu tiên dự án quan trọng

Dự án nạo vét đảm bảo giao thông đoạn cạn Cửa Đại thuộc luồng đường thủy quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm (dài 17km) được nhà thầu triển khai thi công từ cuối tháng 6/2021 và dự kiến hoàn thành trong 70 ngày.

nhiều dự án đường thủy chậm trễ vì thủ tục môi trường

Dự án nạo vét đảm bảo giao thông luồng Cửa Đại dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021. Ảnh: Phi Long

Đoạn được nạo vét có chiều dài hơn hơn 1km, nằm trên đoạn Km 2+00 - Km 4+00 (địa phận TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) với khối lượng cát, bùn nạo vét hơn 97.000m3 được dùng đổ lên bãi tắm và khu vực xây dựng đê ngầm chắn sóng Cửa Đại.

Sau khi nạo vét, đoạn luồng trên sẽ đạt độ sâu 3,5m, với chiều rộng 60m để phương tiện thủy, tàu cá qua lại thuận lợi.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, đây là khu vực có lưu lượng lớn phương tiện qua lại, cách đây vài năm từng được nạo vét, song do biến đổi của dòng chảy dẫn đến tiếp tục bị bồi lấp nghiêm trọng nên được ưu tiên đầu tư ngân sách để thực hiện.

Chứng kiến dự án được triển khai và công khai thông tin dự án tại hiện trường, ông Lê Đức Vĩnh (thôn Phước Hải, phường Cửa Đại, TP Hội An) cho biết, nhiều người dân địa phương rất phấn khởi vì chỉ gần hai tháng nữa, phương tiện thủy, tàu thuyền đánh cá sẽ qua lại dễ dàng.

“Toàn tuyến luồng Hội An - Cù Lao Chàm có khu vực Cửa Đại hay bị bồi lắng nên tàu thuyền qua lại khó khăn nhất, không chỉ tàu thuyền đánh cá, vận tải mà cả phương tiện thủy phục vụ đi lại đến xã đảo Cù Lao Chàm, phương tiện đi đến các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và TP Hội An cũng đều qua đây. Luồng được khơi thông giúp phương tiện đi lại thuận tiện, tránh được bị mắc cạn, chìm đắm do mắc cạn”, ông Vĩnh cho biết.

Đơn vị quản lý tuyến đường thủy trên cho biết thêm, mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền khai thác hải sản và phương tiện giao thông thủy đi qua Cửa Đại, nhưng từ năm 2020 đến nay, luồng bị bồi lắng nghiêm trọng nên khá nhiều phương tiện bị mắc cạn, thậm chí dẫn đến chìm đắm.

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN thông tin, trên hệ thống đường thủy quốc gia có khá nhiều đoạn luồng bị bồi lắng, cần được nạo vét để đảm bảo giao thông.

Ngoài dự án Cửa Đại, hiện một số dự án khác đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục để triển khai như nạo vét 10km kênh Tân Bằng - Cán Gáo (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) để đạt độ sâu 2,7m, chiều rộng luồng 12 - 18m; sông Son (khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng), sông Lèn, kênh Tẻ - kênh Đôi, sông Ruột Lợn…

“Hiện có nhiều vị trí, đoạn luồng trên các tuyến đường thủy quốc gia bị bồi lắng, cạn gây ảnh hưởng đến giao thông thủy. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên Cục Đường thủy nội địa VN ưu tiên triển khai nạo vét đảm bảo giao thông vị trí trọng điểm để phát huy tối ưu hiệu quả đầu tư”, ông Đạo cho biết.

Vướng mắc kéo dài vì thủ tục môi trường

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, các dự án nạo vét giao thông đường thủy đảm bảo tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Theo đó, mỗi dự án có các biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường trước tác động từ hoạt động của phương tiện thi công (nước, dầu, khí thải, tiếng ồn, chất thải rắn…); sự ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh, sự sạt lở trong khu vực nạo vét.

Các dự án nạo vét đảm bảo giao thông đường thủy mang tính chất bảo trì, khơi thông các đoạn luồng cạn thời gian thi công thường chỉ 2 - 3 tháng, khối lượng nạo vét dưới 100.000m3, song việc chuẩn bị thủ tục về môi trường kéo dài 1 - 2 năm. Có khi chỉ vì thủ tục môi trường mà phải điều chỉnh lại dự án để phạm vi dự án nằm gọn trong một địa phương để xử lý vướng mắc về thủ tục qua lại giữa các sở, ngành địa phương.

Bà Khúc Thị Nguyệt Hảo (Phó phòng Khoa học, Công nghệ, Hợp tác quốc tế và Môi trường, Cục Đường thủy nội địa VN)

Chẳng hạn, phương tiện thủy tham gia thi công dự án đảm bảo đủ năng lực ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định; bố trí gờ quây gom dầu cho két chứa, máy, thiết bị, khu vực bảo dưỡng.

Việc giám sát xả thải nước từ phương tiện, bãi thải được giám sát hàng ngày và quan trắc định kỳ tại bãi đổ thải.

Bà Khúc Thị Nguyệt Hảo, Phó phòng Khoa học, Công nghệ, Hợp tác quốc tế và Môi trường, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, bảo vệ môi trường là nội dung không thể thiếu trong chuẩn bị triển khai các dự án nạo vét đảm bảo giao thông.

Tuy vậy, khi triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và là nguyên nhân khiến thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, thậm chí có dự án không triển khai được.

Trong đó, khó khăn nhất là không tìm được bãi đổ thải, trong khi trách nhiệm bố trí bãi đổ thải thuộc về địa phương.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành hồ sơ môi trường cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là dự án liên quan đến 2 tỉnh hoặc khu di tích, hồ sơ thủ tục qua lại giữa hai địa phương, liên quan nhiều bộ, ngành.

Thực tế, có dự án phải điều chỉnh, rút gọn phạm vi một tỉnh để giải quyết các vướng mắc về thủ tục. Có dự án nạo vét địa phương có ý kiến khi nạo vét không để phát sinh mùi, trong khi tuyến kênh này nằm trong đô thị đông dân nên khó tránh được mùi bùn đất, nên mất nhiều thời gian.

Vướng mắc khác là quy định hiện hành chưa đề cập dự án thanh thải chướng ngại vật đường thủy có khối lượng bao nhiêu phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nên khi lập hồ sơ môi trường bị lúng túng, dẫn đến mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Theo www.baogiaothong.vn
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top