Nhiều đồi chè, cà phê tại B’Lao bị 'xẻ thịt', phân lô bán nền

Trong "cơn bão" bất động sản rầm rộ chưa từng có suốt thời gian qua, nhiều đồi chè, cà phê tại thủ phủ chè B’Lao (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã bị chia năm xẻ bảy để phân lô, bán nền.

Hệ lụy lâu dài chưa biết ra sao, nhưng những khu đất vuông vức, được phân chia như một khu đô thị, mọc toàn cỏ dại đang ngày càng nhiều. Đáng chú ý, những chủ đất này đã lợi dụng chính sách hiến đất làm đường, để tự xây dựng hệ thống đường nội bộ khá bài bản, lách luật cho đủ điều kiện để phân lô bán nền ồ ạt trên vùng đất này.

Chú thích ảnh
Dự án phân lô bán nền ở thôn 12 xã ĐamB’ri ( TP.Bảo Lộc) đã có những ngôi biệt thự mẫu để quảng cáo. Ảnh: Quốc Hùng- Nguyễn Dũng/TTXVN

Tan tác vùng chè ĐamB’ri

ĐamB’ri là một xã ngoại ô của thành phố Bảo Lộc với điều kiện lý tưởng về địa hình, khí hậu mát mẻ, bao bọc bởi những đồi chè và cà phê xanh mởn. Thế nhưng, chỉ trong hai năm trở lại đây, cái tên ĐamB’ri trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết và được giới bất động sản săn đón nhiệt tình. Trong "cơn bão" bất động sản ở Bảo Lộc, nhiều đồi chè, đồi cà phê đã bị "hóa kiếp" để người dân phân lô, bán nền ồ ạt, bất chấp những hệ lụy sau này.

Có mặt tại thôn 14, xã ĐamB’ri, từ tuyến đường nhựa chính nối trung tâm thành phố Bảo Lộc với thác Đam B’Ri, rẽ vào đường nhánh khoảng 1 km, phóng viên đã chứng kiến những triền đồi, khu đất thoai thoải đã bị xẻ ngang, xẻ dọc, chia thành từng lô rất bài bản như một khu đô thị. Ngoài hệ thống đường nội bộ được trải nhựa rộng rãi, một số khu đất còn được xây dựng hệ thống đường điện hoàn chỉnh, thậm chí có cả hồ nước cảnh quan, rất xanh mát, đúng chuẩn "khu đô thị nghỉ dưỡng".

Tiếp tục tiếp cận thêm một "dự án" bất động sản khủng khác trên đường Khúc Thừa Dụ (thôn 12, xã ĐamB’ri), chúng tôi chứng kiến nguyên một đồi chè rộng nhiều hecta đã bị cắt ngang xẻ dọc để làm đường đi, hòng phân lô, bán nền. Nơi đây là một quả đồi cực đẹp, triền dốc với "view" rừng thông, thung lũng và có cả hồ nước rất hữu tình. Cũng như các dự án khác, người ta đã "hóa kiếp" hàng loạt cây chè cổ thụ, để làm đường nhựa bằng phẳng, rộng rãi đến từng khu vực. Ông Lê Văn Liêm (người dân thôn 12, xã ĐamB’ri) cho biết, mấy năm nay hoạt động mua bán đất phát triển rầm rộ, người dân địa phương có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng trà hoặc cà phê, nhiều người đã mua được cả xe ô tô. Tuy nhiên về lâu dài, việc phân lô phát triển mạnh khiến diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp, sau này có thể hết đất để canh tác.

Ồ ạt hiến đất, phân lô

Chú thích ảnh
Quảng cáo rao bán đất nền của 1 dự án khi mới những gốc chè mới bị phá bỏ. Ảnh: Quốc Hùng- Nguyễn Dũng/TTXVN

Theo tìm hiểu, để việc phân lô, bán nền diễn ra được nhanh gọn, nhiều chủ đất đã tự nguyện hiến đất làm đường với mục đích chủ yếu để làm đường nội bộ, tiện cho việc tách thửa đất diện tích lớn thành những lô nhỏ vài trăm mét vuông. Đơn cử như trường hợp hộ ông Tr.N.Tr. Và bà Ng.Th.Th.T. có đơn xin hiến đất làm đường, chia tách đất trên các thửa đất số 120, 121, tờ bản đồ số 9 (xã ĐamB’ri) với tổng diện tích hơn 30.500 m2. Hiện trạng khu đất này đang trồng cà phê và có sẵn đường hẻm rộng 7m do hộ gia đình cá nhân tự mở (có đơn xin hiến đất làm đường đi chung do UBND xã ĐamB’ri xác nhận ngày 23/12/2020). Tuyến đường này đã rải đá dăm nhưng chưa được chỉnh lý trên giấy chứng nhận và hồ sơ địa chính.

Tương tự, trường hợp hộ ông L.Đ.B. và bà T.Th.Ng. đề nghị tách thửa trên thửa đất số 20, tờ bản đồ số 12 (xã ĐamB’ri) với diện tích gần 7.000m2; hộ ông H.X. Ph. xin tách thửa đất số 303, tờ bản đồ số 12 (xã ĐamB’Ri) với diện tích 3.500m2. Cả hai thửa đất này đều đã có đường hiện trạng rộng 6m do hộ gia đình tự mở (có đơn xin hiến đất làm đường và được UBND xã ĐamB’ri xác nhận), dọc theo đường hiện trạng cũng được đặt cống thoát nước và hiện đã san ủi, đang là đất trống. Bằng hình thức hiến đất mở đường, rồi đề nghị tách thửa, nhiều hộ dân khác tại xã ĐamB’ri đã lập hồ sơ xin tách thửa những lô đất "khủng" hàng chục ngàn mét vuông thành nhiều lô nhỏ khác nhau.

Theo báo cáo của UBND thành phố Bảo Lộc hồi tháng 1/2021, qua thông tin do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bảo Lộc cung cấp, thời gian qua trên địa bàn thành phố có trên 40 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đề nghị hiến đất mở đường để tách nhiều thửa đất. Trong năm 2020, thu ngân sách từ đất tại thành phố Bảo Lộc đạt khoảng 277 tỷ đồng, mặc dù thành phố chưa tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng lô đất nào. Đây chính là nguồn thu từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi các lô đất có chủ là người trong lẫn ngoài tỉnh, thực hiện tách thửa và chuyển nhượng lại cho người khác.

Trao đổi về vấn đề phân lô, tách thửa trên địa bàn, ông Đoàn Kim Đình, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, việc tách thửa thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành phố luôn phối hợp chặt chẽ để thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. Việc triển khai bước tiếp theo của hoạt động tách thửa đất, thành phố đã thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch, đúng quyền sử dụng đất. Ví dụ đất nông nghiệp tách thửa phải đảm bảo trên 500m2/lô, đất ở thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu đã được thành phố xây dựng. 

Lật tẩy "dự án" ma

Chú thích ảnh
Dự án bất động sản khủng trên đường Khúc Thừa Dụ, thôn 12, xã ĐamB’ri đang giai đoạn phá chè để phân lô. Ảnh: TTXVN phát

Trên địa bàn Bảo Lộc, "dự án" bất động sản 36 hecta tại xã ĐamB’ri là một dự án đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Khác với những dự án nhỏ lẻ kia, khu vực này còn lập cả chốt bảo vệ, hàng rào barie ở cổng vào để ngăn người lạ xâm nhập. Khi đi khảo sát thực tế, nhóm phóng viên mới thấy rõ mức độ hoành tráng của "dự án" bất động sản này. Tuyến đường nội bộ được chủ "dự án" xây dựng, trải nhựa rộng rãi, kéo dài hàng km xuyên suốt toàn khu. Theo quan sát, trong nội khu này còn có nhiều hồ nước cảnh quan lớn, có cả công viên cây xanh, hệt như những khu đô thị phức hợp tầm cỡ.

Khi phát hiện nhóm phóng viên đang ghi hình ở bên ngoài, một người tự xưng là quản lý của "dự án" cùng một bảo vệ đã tiếp cận và đòi kiểm tra giấy tờ. Người này tuyên bố không ai được phép vào khu vực của "dự án" nếu không được chủ dự án cho phép. Tuy nhiên khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên đang đi thực tế, muốn gặp chủ dự án để làm việc thì người mặc đồ bảo vệ nói "chỉ làm thuê ở đây, không rõ chủ đất là ai". Đồng thời, những người bảo vệ này cũng hạ barie ngoài cổng, tuyên bố không cho bất cứ ai, kể cả phóng viên bước chân vào khu vực này.

Theo báo cáo ngày 31/5/2021 của UBND thành phố Bảo Lộc, khu vực 36 ha tại xã ĐamB’ri này thuộc quyền sử dụng đất của 4 hộ gia đình, cá nhân sử dụng do chuyển quyền sử dụng đất trong thời gian gần đây. Quá trình sử dụng các hộ này đã thực hiện việc hợp và tách thửa biến động có đường giao thông, sau đó chuyển nhượng một phần diện tích 56.193m2 cho 8 hộ gia đình, cá nhân khác nhau và thực hiện chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích khoảng 20.000m2. Sau khi chuyển mục đích sử dụng đất, các hộ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tách một số diện tích thành 72 thửa đất (trên thực tế, việc phân lô ở khu vực này có đến hàng trăm lô khác nhau). Hiện nay cũng chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép đầu tư dự án bất động sản đối với khu vực 36 ha đất nêu trên.

Ngoài dự án khủng 36 ha, hàng loạt dự án bất động sản "ma" tại Bảo Lộc cũng được lật tẩy chỉ là chiêu trò quảng cáo, thổi phồng của các môi giới bất động sản. Có thể điểm danh các dự án mà UBND thành phố Bảo Lộc mới thống kê ngày 31/5/2021 như: dự án ĐamB’ri Hill Village 1 Bảo Lộc (chủ sử dụng đất là ông Đỗ Viết Thức); ĐamB’ri Hill Village 2 (chủ sử dụng đất là ông Phan Đình Hưng); Ecovill (chủ sử dụng đất là Hồ Thúy Loan); Jade Garden Hill Bảo Lộc tại phường Lộc Tiến (chủ sử dụng đất là Nguyễn Ánh); Kiwuki (chủ sử dụng đất là Trần Ngọc Tùng)… Qua rà soát hồ sơ các khu vực trên là do hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục tách thửa sau đó chuyển quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân khác có nhu cầu nhưng được các đối tượng môi giới bất động sản quảng cáo bằng cách đặt tên cho các dự án dưới hình thức "dự án bất động sản" nhằm thu hút người mua. Thực tế các dự án nêu tên này chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Cho đến nay trên địa bàn thành phố Bảo Lộc chỉ có 6 dự án được cấp chủ trương đầu tư bất động sản, trong đó có 4 dự án đã hoàn thiện hạ tầng và đang thực hiện giao dịch bất động sản. Hai dự án còn lại gồm dự án khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt (Phường 1, Bảo Lộc) và dự án Khu dân cư trung tâm xã ĐamB’ri đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án với lý do chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư. Đây là một nghịch lý khi các dự án được cấp phép phát triển èo uột, còn dự án bất động sản "ma" lại mọc lên như nấm sau mưa, nhưng hiện tại chỉ là những lô đất trống, cỏ dại mọc um tùm, không có người ở đang dần thay thế cho những đồi chè, cà phê xanh tốt.

Theo baotintuc.vn
back to top