Nhiều công ty AMC được thành lập nhưng không vận hành

(khoahocdoisong.vn) - Các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các ngân hàng thương mại (gọi tắt là AMC) được thành lập với nhiệm vụ hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ tồn đọng trên bảng tổng kết tài sản. Tuy nhiên, hoạt động của đa phần các AMC không hiệu quả và đi chệch hướng.

Không xử lý được nợ xấu

Các AMC được thành lập theo Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép thành lập AMC, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập với mục tiêu chính là hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ tồn đọng trên bảng tổng kết tài sản.

Chức năng nhiệm vụ chính của các AMC này là tiếp nhận, quản lý các tài sản bảo đảm (TSBĐ) nợ vay như tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, tài sản gán nợ, tài sản tòa án giao ngân hàng theo các quyết định, bản án, liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD). AMC sẽ xử lý, thu hồi, chủ động bán các TSBĐ nợ vay bằng các biện pháp: cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tài sản để bán, cho thuê, khai thác kinh doanh góp vốn, liên doanh bằng tài sản để thu hồi nợ, các hoạt động quản lý TSBĐ khác theo ủy quyền của ngân hàng phù hợp với quy định của pháp luật.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 AMC đăng ký hoạt động. Nhưng chỉ có khoảng 4 AMC thực sự đang vận hành. Đó là các AMC thuộc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB Assets), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank AMC), Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (Vpbank AMC), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC). Chỉ có các AMC của những ngân hàng trên vận hành công tác xử lý nợ thuần túy theo đúng Quyết định 150. Mọi nhiệm vụ khác sẽ do công ty con khác của ngân hàng đảm bảo.

Tuy nhiên, phần lớn hoạt động của AMC vẫn chỉ là các nghiệp vụ như thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cố, thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ… Ngoài ra, các AMC cũng có thực hiện hoạt động mua bán nợ với các Tổ chức tín dụng khác, nhưng không nhiều. Việc mua bán nợ từ các tổ chức, cá nhân khác hầu như chưa được thực hiện.

Hơn nữa, nguồn nhân lực có chuyên môn tại các AMC còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như hạn chế về nguồn vốn. Vì vậy, hoạt động của các AMC này chưa thực sự hiệu quả với chức năng, nhiệm vụ của công ty.

Trên thực tế, các AMC của ngân hàng ít tham gia thị trường mua bán nợ. Nếu có tham gia mua, bán nợ thì mục đích cũng chỉ là giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau. Do đó, các khoản nợ xấu về cơ bản không được xử lý, mà vẫn tồn tại trong nội bộ ngân hàng, chưa được loại bỏ hoàn toàn. Nợ xấu của ngân hàng có thể được chuyển sang các công ty con.

Lúng túng về pháp lý

Theo Bộ Tài chính, nhiều hoạt động khác của AMC như hoạt động thẩm định giá ở một số ngân hàng như Vietinbank AMC, MBAMC... lại không được quy định cấp phép hoạt động. Các hoạt động đăng ký của công ty đều thuộc quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau. Pháp luật liên quan đến thị trường mua, bán nợ phải tuân thủ Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, chính sách thuế, chính sách tín dụng, quy định về phân loại nợ, xử lý tài sản bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với Hợp đồng mua, bán nợ. Trong khi đó, việc tham gia xử lý nợ xấu của AMC lại không được đề cập trong Luật TCTD.

AMC phải loay hoay tự xoay xở và tìm cách hoạt động làm sao vừa đúng trong khuôn khổ hành lang pháp lý, vừa hoàn thành nhiệm vụ của ngân hàng mẹ giao. Vì thế, hoạt động của AMC bị bó hẹp, kém hiệu quả đi rất nhiều.

Hiện tại, việc mua, bán nợ được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng. Nghĩa là bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối vơi một hoặc một số khoản nợ cụ thể. Ngoài phương thức này, hiện chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hóa có thể chuyển nhượng hay giao dịch dễ dàng.

Vì vậy, các khoản nợ xấu của ngân hàng mẹ sau khi được AMC mua lại sẽ phải thực hiện theo quy định tại Hợp đồng ủy quyền và quy định của pháp luật. AMC không được tự ý xử lý nợ xấu. Trong thời gian chờ xử lý, số nợ xấu quá hạn AMC đã mua phải hạch toán vào Khoản phải thu trong bảng cân đối kế toán. Trường hợp, việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn hoặc trì hoãn, công ty AMC phải trích lập dự phòng rủi ro. Điều này sẽ làm sụt giảm lợi nhuận của công ty và lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng. Đây cũng là yếu tố khiến AMC "ngại" mua lại nợ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các chính sách, khuôn khổ pháp lý quy định điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ hiện chưa hoàn chỉnh, đồng bộ. Các quy định nằm rải rác tại các văn bản khác nhau, bao gồm các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của các bộ, ngành. Do đó, trong quá trình hoạt động, các công ty mua, bán nợ có những tồn tại hạn chế nhất định.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để các AMC có thể đóng góp tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu, cần tháo gỡ những nút thắt về chính sách và cơ chế. Cụ thể, hoàn thiện các văn bản pháp lý về hoạt động của các công ty AMC và thị trường mua bán nợ, về hạch toán kế toán và thuế liên quan đến hoạt động mua bán nợ, bổ sung nguồn lực cho AMC.

Mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và mô hình tổ chức của các AMC, để các công ty này thực sự tham gia vào thị trường mua bán nợ theo Luật các TCTD.

Theo Đời sống
back to top