Nhiều bất cập trong quản lý xây dựng tại TPHCM

(khoahocdoisong.vn) - Thời gian gần đây, TPHCM là địa phương được nhắc đến với nhiều dự án “ma”, hàng trăm căn biệt thự và hàng nghìn căn hộ “xây chui” không phép, lộ rõ nhiều bất cập trong lĩnh vực về xây dựng.

Chưa được giao đất, vẫn xây

Mới đây, UBND quận 7, TPHCM đã tiến hành lập biên bản yêu cầu ngừng thi công công trình đối với dự án Green Star Sky Garden, tại phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát (Công ty Hưng Lộc Phát) làm chủ đầu tư.

Theo UBND quận 7, toàn bộ dự án có tổng diện tích 52.648,6m2. Diện tích đất do Công ty Hưng Lộc Phát bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ dân là 45.300m2 (chiếm 86,04%), trong đó có 7 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận với diện tích 4.588,8m2. Diện tích đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý 7.348,6m2 (chiếm 13,96% đất dự án). Cho đến nay Công ty Hưng Lộc Phát vẫn chưa được UBND TPHCM ký quyết định phê duyệt sử dụng đất, chưa được Sở Xây dựng TPHCM cấp phép xây dựng dự án.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Hưng Lộc Phát đang thi công trên 6 lô đất nhà liền kế: LK1, LK2. LK3, LK4, LK5, LK6; chủ đầu tư đã xây dựng xong hồ điều hòa; đang xây dựng đường giao thông và đang thi công ép cọc thử tải khối chung cư 27 tầng.

Vụ việc của Công ty Hưng Lộc Phát chưa lắng xuống, dư luận lại “ồn ào” với 13.000 căn hộ tại dự án Laimain City thuộc Khu đô thị An Phú – An Khánh bị UBND quận 2, TPHCM ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, UBND quận 2 đã có quyết định số 1502/QĐ-XPVPHC ngày 14/5/2019, xử phạt đối với Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) do có hành vi tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng.

Từ nhiều tháng trước, HDTC và nhà thầu Delta Group đã đưa máy móc vào thi công tất cả các cụm phân khu căn hộ tại dự án Laimian City. Hiện phần móng và tầng hầm tại 3 phân khu: CT01 - CT03 - CT04 đã gần hoàn thiện; phân khu CT2 đang đưa máy móc vào thi công. Thế nhưng, Sở Xây dựng TPHCM vẫn chưa tiếp nhận bất kỳ hồ sơ nào liên quan dự án này. Điều đáng lo ngại, dự án đang mắc sai phạm lớn trong lĩnh vực xây dựng nhưng một số sàn giao dịch bất động sản như BIDV Read, Gia Hưng Land... lại đang rao bán căn hộ tại đây trên các trang mạng.

Người quản lý ở đâu?

Vậy thì tại sao những dự án bất động sản xây dựng trái phép, hoạt động thi công rầm rộ với quy mô lớn xảy ra trên địa bàn TPHCM bị báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua, nhưng không hiểu sao, cơ quan quản lý lại không "nhìn" thấy ?. Những trường hợp như 110 căn biệt thự thuộc dự án Green Star Sky Garden, hay 13.000 căn hộ tại dự án Laimain City thuộc Khu đô thị An Phú – An Khánh, quận 2, TPHCM đều là xây trái phép, và tiến hành xây dựng công khai, rầm rộ, trên quy mô lớn. 

Nhưng bất chấp cả hệ thống quản lý đầy đủ các cấp, việc xây không cần thủ tục này vẫn thực hiện trót lọt trong gần một năm, với nhiều căn hộ, biệt thự đã đi vào giai đoạn hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Và thế là hình thành thực tế oái oăm trong quản lý trật tự xây dựng ở TP.HCM, khi dân chỉ "vừa đổ xe gạch, trộn đống xi măng chưa kịp xây thì thanh tra xây dựng đã tới cửa, vậy mà doanh nghiệp xây trái phép một loạt công trình hoành tráng như thế, sao chính quyền không biết?” - ông Trần Bình Minh (ngụ quận 7, TPHCM) nói.

Cần lưu ý, sau gần một năm các công trình sai phạm này xuất hiện, thì cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng làm cho người dân không khỏi “ngạc nhiên”. Thay vì đình chỉ xây dựng, xử phạt hành chính, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, thì công trình này chỉ bị tạm đình chỉ xây dựng và chủ đầu tư có 60 ngày để hoàn chỉnh thủ tục. 

Sự dễ dãi này dường như là lý do khiến việc xây không phép "lây" cả sang doanh nghiệp nhà nước của thành phố. Một ví dụ tiêu biểu là tại dự án chung cư Asa Light. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 8 (Công ty Công ích quận 8) làm chủ đầu tư, và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thái Bảo (Công ty Thái Bảo) đơn vị phát triển.

Tại đây, khi đã triển khai đến tầng thứ 6, thì công trình mới bị dừng thi công theo yêu cầu của UBND TPHCM. Lý do, dự án chưa có giấy phép xây dựng và do thế phải dừng thi công để chờ bổ sung thủ tục pháp lý. Trong khi đó, các hợp đồng mua bán căn hộ đã được chủ đầu tư ký với hơn 500 khách hàng. UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt hành chính 275 triệu đồng và đình chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng đối với Công ty Thái Bảo.

Nhưng ngay sau đó, Sở Xây dựng TPHCM lại có tờ trình gửi UBND TPHCM, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư dự án cho Công ty Thái Bảo để sớm triển khai dự án trở lại. Lý do, theo Sở Xây dựng TPHCM, khu đất có nguồn gốc thực hiện bồi thường, không phải đất công do Nhà nước quản lý. Mặt khác, nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng huy động ngoài ngân sách nhà nước.

Kiểu xử lý thỏa hiệp này của TP.HCM, thực ra, đã làm hại người dân, trong khi làm lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại dự án Tân Bình Apartment, sau khi phát hiện và két luận về sai phạm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nhiều cán bộ liên quan thuộc Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Nhưng hậu quả của dự án thì cho đến 5 năm sau đó, hơn 300 khách hàng vẫn mòn mỏi chờ chủ đầu tư, mà không biết đến bao mới được đảm bảo quyền lợi. 

Luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, quy trình xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã được quy định khá rõ ràng về hành vi, mức độ vi phạm, thời hạn xử phạt. Chẳng hạn, đối với công trình xây dựng sai, trái phép thì quy trình xử lý là đình chỉ xây dựng, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung (tháo dỡ) nếu có, chủ đầu tư không thực hiện thì ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Mỗi công đoạn đều có thời hạn xử lý nhưng thực tế, ở rất nhiều công trình, cơ quan chức năng xử lý không đúng quy trình, tạo điều kiện cho chủ đầu tư vi phạm. Thậm chí, có cả những trường hợp cho phép chủ đầu tư hợp thức hóa hành vi sai phạm.

Theo Đời sống
back to top