Nhật thực và nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp

(khoahocdoisong.vn) - Một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất của năm 2019 là hiện tượng nguyệt thực một phần diễn ra vào ngày 17/7.

Một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất của năm 2019 là nguyệt thực một phần diễn ra vào ngày 17/7. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích để hiểu đúng về hiện tượng này.

Quan sát nguyệt thực đúng cách

Rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm nay (2019) theo giờ Việt Nam, nguyệt thực một phần diễn ra. Đây là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng (hoặc gần như thẳng hàng) với Trái Đất nằm giữa. Vào thời điểm này, Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ Mặt Trời. Vì lý do này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ tối hơn bình thường và có màu đỏ thẫm.

Nguyệt thực là một hiện tượng không quá hiếm và rất dễ quan sát ngay cả khi không có dụng cụ nào hỗ trợ. Nguyệt thực lần này có độ che phủ đường kính cực đại là 0,653 - có nghĩa là vào thời điểm cực đại, có tối đa là 65,3% đường kính của Mặt Trăng đi vào trong bóng tối của Trái Đất. Toàn bộ thời gian của nguyệt thực tính từ khi bắt đầu pha nửa tối cho tới khi hoàn toàn kết thúc là từ 01h43 đến 07h17 ngày 17 tháng 7 theo giờ Việt Nam. Trong toàn bộ nguyệt thực, Mặt Trăng nằm ở bầu trời phía Tây và Tây Nam, ban đầu ở khá cao phía Tây Nam rồi thấp dần cho tới khi lặn xuống dưới chân trời phía Tây. Chỉ cần trời không mây, bạn sẽ dễ dàng quan sát được.

Nguyệt thực hoàn toàn vô hại đối với mắt, do đó bạn có thể nhìn trực tiếp vào nó. Cũng không cần phải có những dụng cụ chuyên dụng như kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát hiện tượng này - mặc dù nếu có thì bạn sẽ có một cái nhìn thú vị hơn khá nhiều. Nguyệt thực không phải "Trăng máu" (một cách gọi thiếu chính xác tương đối phổ biến vài năm gần đây). Đây cũng là hiện tượng quang học hết sức bình thường, không liên quan tới bất cứ yếu tố tâm linh hoặc tôn giáo nào.

Nhật thực và nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp

Khi có một lần nhật thực diễn ra, có nghĩa là có một nguyệt thực khác trước hoặc sau đó hai tuần, và ngược lại. Lý do vì nếu như mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất và của Mặt Trăng trùng nhau thì hiển nhiên tháng nào cũng có nhật thực và nguyệt thực. Nhưng vì hai mặt phẳng này lệch nhau khoảng 5 độ nên mỗi chu kỳ Trăng chỉ có hai thời điểm Mặt Trăng đi cắt qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất, nhật thực và nguyệt thực chỉ xảy ra ở những lần mà vào thời điểm cắt qua đó. Chỉ khi nào cả ba thiên thể nằm trên đường giao giữa hai mặt phẳng quỹ đạo thì hai hiện tượng này mới xảy ra. Độ nghiêng khoảng 5 độ giữa hai quỹ đạo khiến cho chỉ những thời điểm nhất định mới có nhật thực và nguyệt thực.

Một ví dụ là rạng sáng 17/07/2019 theo giờ Việt Nam có nguyệt thực một phần, thì trước đó nửa tháng là ngày 02/07 đã có nhật thực toàn phần diễn ra. Tới ngày 26/12 năm 2019, có nhật thực hình khuyên diễn ra, và tương ứng là có nguyệt thực nửa tối vào nửa tháng sau đó là rạng sáng 11/01/2020. Trường hợp khá hiếm cũng có thể xảy ra là nhật thực và nguyệt thực không chỉ đi theo cặp 2 mà là 3, với hai nguyệt thực và một nhật thực. Một ví dụ là nguyệt thực nửa tối rạng sáng 06/06/2020 được tiếp nối bằng nhật thực hình khuyên ngày 21/06 và nguyệt thực nửa tối sáng 05/07 cùng năm.

Tuy nhiên, mỗi lần nhật thực hoặc nguyệt thực chỉ có thể nhìn thấy ở một khu vực nhất định nào đó trên Trái Đất. Chẳng hạn ở Việt Nam bạn có thể quan sát nguyệt thực một phần vào rạng sáng 17/07/2019, nhưng đã không thể quan sát nhật thực toàn phần trước đó vào ngày 02/07.

Theo Đời sống
back to top