Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát

(khoahocdoisong.vn) - Hơn 2 năm thí điểm, Hà Nội đã duy trì được mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2020, qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm của cơ sở đạt từ 80 - 100%. Việc xây dựng, phát triển, kiểm tra “tuyến phố an toàn thực phẩm” tiếp tục được nhân rộng.

Hình thành nét văn minh mới

Theo chân đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đi giám sát tuyến phố ATTP có kiểm soát - văn minh thương mại Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy dù diện tích một số cơ sở kinh doanh chật hẹp và đang triển khai dự án hạ ngầm hệ thống kỹ thuật nhưng nhìn chung tuyến phố vẫn bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Hầu hết mặt nền các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gọn, sạch, thực phẩm được bày trong tủ kính. Các cơ sở đều dán logo nhận diện “Cơ sở bảo đảm ATTP có kiểm soát” và bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm trước cửa hàng.

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, nơi đây được đầu tư xây dựng thành tuyến phố ẩm thực từ năm 2002. Năm 2017, khi Hà Nội thí điểm triển khai các tuyến phố ATTP có kiểm soát thì phố ẩm thực Tống Duy Tân là một trong những địa chỉ được quan tâm đầu tiên. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm ở đây phải đáp ứng 10 tiêu chí: Địa điểm chế biến kinh doanh phải cách xa nguồn nguyên liệu; diện tích cơ sở kinh doanh phải đủ rộng để thuận tiện cho công tác vệ sinh; phải đủ nguồn nước sạch cho chế biến thực phẩm; nguồn gốc thực phẩm phải bảo đảm an toàn; phải có sổ ghi chép đầy đủ từng ngày về nguồn cung cấp thực phẩm; thùng đựng rác phải có nắp đậy, rác trong chế biến phải được thu gom kịp thời; nhân viên phải được trang bị dụng cụ chế biến, không được dùng tay không khi chế biến thực phẩm; cơ sở cần có những bàn ăn cao hơn 60cm; người chế biến phải đủ sức khỏe, có kiến thức về vệ sinh ATTP; các cơ sở phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được dán công khai.

Từ đó đến nay, ý thức chấp hành quy định liên quan đến ATTP của các cơ sở kinh doanh tại tuyến nâng lên rõ rệt. 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố có niêm yết công khai giá dịch vụ và được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm. Quận đặt chỉ tiêu phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại đây bảo đảm mỹ quan đô thị và 100% chủ cơ sở, người lao động kinh doanh trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được khám sức khỏe định kỳ…

Hiện nay, tuyến phố có 51 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tỷ lệ cơ sở kinh doanh được cấp giấy đủ điều kiện ATTP là 42/51 (82,3%); hơn 88% cơ sở kinh doanh đạt 10 tiêu chí ATTP và 100% cơ sở kinh doanh sử dụng nguồn nước sạch.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hơn 2 năm thí điểm, hiện tại, Hà Nội đã duy trì được mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2020, qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm của cơ sở đạt từ 80 - 100%; tuy nhiên, đã có 51 cơ sở bị nhắc nhở tại chỗ và xử phạt 11 cơ sở với số tiền hơn 18 triệu đồng.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) cho biết, mô hình này không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại.

Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cả hệ thống vào cuộc đẩy lùi thực phẩm bẩn

Tại hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra, giám sát “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” 6 tháng đầu năm 2020 do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức, các đại biểu cho rằng, khi dịch vụ thức ăn đường phố ngày càng phát triển, việc đưa dịch vụ này vào khuôn khổ trở thành yêu cầu cấp bách.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cho hay, trong quá trình triển khai, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ và thức ăn đường phố chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất do phải đi thuê địa điểm trong ngắn hạn. Mặt khác, các hộ kinh doanh thường thay đổi, chủ cơ sở liên tục gây khó khăn cho công tác quản lý, hướng dẫn. Việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực hiện các tiêu chí trong xây dựng tuyến phố giai đoạn đầu còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng…

Theo kế hoạch, mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đang được nhân rộng thêm ở 4 tuyến phố mới tại tuyến phố Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy), tuyến phố Ngọc Lâm (quận Long Biên), tuyến phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) và tuyến phố Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm). Khi 4 tuyến phố này chính thức đi vào hoạt động, Hà Nội có tổng cộng 18 tuyến phố ATTP có kiểm soát, với 690 cơ sở kinh doanh ăn uống (trung bình 38 cơ sở/tuyến phố) được gắn biển “Cơ sở ATTP có kiểm soát”.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, việc nhân rộng các mô hình hay về vệ sinh, ATTP như mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” là cần thiết. Mặt khác, công tác kiểm tra vệ sinh ATTP cũng phải được tiến hành thường xuyên, đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội chỉ xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 371 người mắc, không có ca tử vong. Điểm nổi bật là không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại các tuyến phố ATTP có kiểm soát. Kết quả kiểm tra các tiêu chí ATTP đối với 29.655 cơ sở dịch vụ ăn uống luôn đạt 80%-98,8%.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top