Nhận diện nguy cơ mắc đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Vì vợ mới phát hiện mắc đái tháo đường, ông H. (55 tuổi, TPHCM) đi kiểm tra sức khỏe. Kết quả, ông H .bị tăng huyết áp và có rối loạn đường huyết lúc đói. Ông H. bị tiền đái tháo đường, nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai, đồng thời liên quan đến rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp.
Một bệnh nhân mắc đái tháo đường còn khá trẻ đang được điều trị tại Bệnh viện Quận Tân Phú TPHCM.

Một bệnh nhân mắc đái tháo đường còn khá trẻ đang được điều trị tại Bệnh viện Quận Tân Phú TPHCM.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM, đây là một bệnh nhân nam hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh gì, nhưng bệnh nhân có nhiều thói quen tốt như không hút thuốc, không uống rượu, nhưng lại không luyện tập thể dục bao giờ. Khi xuất hiện rối loạn đường huyết khi đói như vậy, đã là hậu quả của nhiều bất thường tiềm ẩn khác như rối loạn về tim mạch như tăng cholesterol, tăng triglyceride, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… bệnh nhân sẽ dần mắc các bệnh lý như bệnh mạch vành; đột quỵ; thận mạn; bệnh lý võng mạc đái tháo đường ở người bệnh tiền đái tháo đường theo tuổi; biến chứng về thần kinh như tê, nhức, rối loạn cương…  

Bệnh nhân còn bị rối loạn mỡ máu, tăng triglycerides rất cao. Nguyên nhân thường gặp là rượu, sống tĩnh tại, uống nhiều đường và fructose. Hóa ra, qua khai thác bệnh sử, trong dịch Covid-19 vừa qua, ông H. đã uống mỗi ngày nửa lít nước cam vắt để tăng cường vitamin C, phòng ngừa Covid-19. Nửa lít nước cam tương đương với cả ký cam trái nên tăng dung nạp đường fructose lên rất nhiều.

Bệnh nhân tiền đái tháo đường được khuyến khích ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau củ nhiều màu sắc, chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế các thành phần chế biến và đường.

Bệnh nhân tiền đái tháo đường được khuyến khích ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau củ nhiều màu sắc, chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế các thành phần chế biến và đường.

Tính riêng tại một bệnh viện tuyến quận, như Bệnh viện Quận Tân Phú, BSCKII Đinh Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Quận Tân Phú cho biết, theo thống kê của bệnh viện, trong năm 2019, số lượng bệnh nhân bệnh tim mạch - chuyển hóa đến khám chiếm 17,5%, bệnh hô hấp mạn tính chiếm 16,7%, bệnh đái tháo đường chiếm 10,5%. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ như lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi có thể dự phòng được.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, can thiệp lối sống đồng thời kết hợp tư vấn dùng thuốc thích hợp ở giai đoạn rối loạn dung nạp glucose trên nhóm đối tượng ở tuổi trung niên khoảng 50 tuổi, đều cho kết quả giảm 40 - 60% nguy cơ về tỷ lệ mắc đái tháo đường về sau.

Bệnh nhân tiền đái tháo đường cần duy trì giảm 7% cân nặng, đặc biệt trong 6 tháng đầu can thiệp và giảm mỡ trong chế độ ăn; thời gian dài hơn (4 năm) cần giảm được 7 - 10%, với nhịp độ 0,5 - 1kg/tuần như khuyến khích các thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau củ nhiều màu sắc, chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế các thành phần chế biến và đường; không uống bia rượu hoặc uống điều độ (nam tối đa 2 lon bia/ngày, nữ 1 lon/ngày).

Bên cạnh đó, vận động đều đặn để tiêu hao ít nhất 700kcal/tuần, ví dụ, ít nhất 150 phút trong một tuần như đi bộ tích cực nhanh, phân bố ít nhất 3 lần/tuần, 10 phút mỗi buổi tập. Theo các chuyên gia về nội tiết, đặc biệt những người bị tiền đái tháo đường phải bỏ thuốc lá vì thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.

Bệnh nhân nói trên đồng ý dùng thuốc điều trị tăng huyết áp vì sợ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim như một số bạn bè xung quanh, nhưng lại không chịu dùng thuốc kiểm soát rối loạn dung nạp đường vì ông cho rằng ông không bị mắc đái tháo đường. 

Theo Đời sống
back to top