Nhận diện loại cua cực độc

(khoahocdoisong.vn) - Cua mặt quỷ được một số người sử dụng làm thực phẩm. Ít ai biết rằng độc tố trong cua mặt quỷ có thể làm chết người ngay lập tức sau khi ăn.

Thịt càng và chân là độc nhất

Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ có một loại cua xuất hiện ở Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) có chất độc, người ăn vào có thể tử vong ngay. Quan sát bên ngoài thì loại cua này có nhiều màu sắc, nhìn rất đẹp mắt, có tên khoa học Zosimus aeneus hay còn gọi là cua mặt quỷ, cua lông. Đây không phải là loại cua dùng làm thực phẩm như một số người vẫn ăn. Đã từng có người ăn loại cua này phải nhập viện cấp cứu, có trường hợp tử vong. 

TS Đào Tấn Học, cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết cua mặt quỷ sống nhiều ở các rạn san hô và phân bố khá rộng trên nhiều vùng biển. Ở dưới rạn, cua mặt quỷ có màu sắc bắt mắt, to bằng nửa bàn tay. Trong rạn san hô, có nhiều loài cua mang độc tố nhưng cua mặt quỷ có độc tố cao nhất do ăn tảo trong rạn san hô. Cua mặt quỷ chứa độc tố là saxitonin, chủ yếu nằm trong thịt, trứng và nhiều nhất là trong thịt càng và chân. Độc tố chứa trong cua mặt quỷ lớn đến độ có thể gây tử vong. Triệu chứng gây ra khi ăn là tay chân tê cứng, miệng lưỡi tê rát và buồn nôn. Nếu chẳng may người bị nhiễm độc không đi cấp cứu kịp thời sẽ rất dễ tử vong.

Ngoài chất độc saxitonin gây tê liệt cơ thì cua mặt quỷ còn chứa thêm hai chất độc khác tương tự như độc tố trong cá nóc là neurotoxin, tetrodotoxin. Hai loại độc tố này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, ức chế hô hấp. Các chuyên gia cũng khuyên trong trường hợp ăn phải loài cua độc này, để sơ cứu ngăn chặn độc tố phát tán thì người ăn nên nhanh chóng làm mọi cách để nôn ra ngay.

Cảnh giác với các loài lạ

TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, có nhiều loài cua rất độc mà ít người biết đến. Ngoài cua mặt quỷ còn có cua hạt. Loại cua này có vỏ đầu ngực có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30mm, rộng nhất khoảng 40mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt. Cua sống thì có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía. Đốt ngón các chân kìm có màu đen. Loại cua hạt thường được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3m, tại Hòn Tằm - Nha Trang. Nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc do ăn phải những loài cua lạ này. Vào mùa du lịch, những người có sở thích khám phá các vùng biển hoang sơ, cần hết sức cảnh giác với các loài hải sản lạ khi có ý định dùng làm thực phẩm.

Cách phòng tránh tốt nhất là chỉ ăn những con gì mình đã biết, hoặc được người dân bản địa giới thiệu là đặc sản nhưng phải phổ biến. Không nên thử cảm giác mạnh với những loài có độc tố, dù được cam kết là đã làm sạch, loại bỏ độc tố. Thông thường, người dân địa phương biết rất rõ loài nào có độc tố, loài nào không. Do đó theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, tuyệt đối không tự ý bắt hải sản về ăn, nhất là các loài lạ. Đặc biệt các loài ăn gỏi, ăn sống thì lại càng phải cẩn trọng.

“Không nên ham những loài độc, lạ. Khi ăn vào có cảm giác chóng mặt, buồn nôn… thì phải ngay lập tức tìm cách móc họng nôn ra, đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

Theo Đời sống
back to top