Nhận biết và xử lý bỏng da do tia cực tím

(khoahocdoisong.vn) - Lượng tia cực tím ở TP HCM đạt mức đỉnh khiến người đi ra nắng có thể bị bỏng da nếu không có các biện pháp bảo vệ.

Ra nắng 10 phút là bỏng da

Trang Weatheronline của Anh dự báo chỉ số tia cực tím tại TP. HCM từ ngày 18 đến 23/4 dao động quanh mức 12, tương đương đợt nắng nóng hồi cuối tháng 3. Ở Anh, chỉ số này thường không vượt quá 8, những ngày đặc biệt mới đạt đến mức 7. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, da có nguy cơ bị bỏng nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. UV mức 8-10, thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút ở ngoài nắng. Khi UV từ 3 trở lên phải mặc áo chống nắng, đeo kính mát che chắn để bảo vệ cơ thể.

PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, sạm, đen da liên quan đến sắc tố melanin trên da. Nó thường hình thành sau hai ngày tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên tục, và sắc tố tiếp tục đậm lên sau vài tuần, vài tháng. Hiện tượng cháy nắng xuất hiện khi tế bào da bị hư hại do ánh nắng gay gắt của Mặt trời. Thông thường, máu sẽ chạy đến những khu vực này để nỗ lực chữa cháy, đó là lý do vì sao da bạn thường ứng đỏ khi vừa bị cháy nắng. Bởi vậy, khi ra nắng về mà bề mặt da ửng đỏ, rát, có những chỗ phồng rộp như rắn lột da… thì có thể khẳng định là da bạn đã bị cháy nắng.

Điều đáng ngại là tiếp xúc với tia cực tím trong khoảng thời gian nhất định sẽ gây lão hóa da, bắt đầu từ việc thay đổi cấu trúc các lớp hạ bì. Những dấu hiệu nhận thấy thường là khô da, nhìn rõ nếp nhăn, da chảy xệ, mất khả năng đàn hồi, xuất hiện các đốm sắc tố, kết quả của sự thoái hóa khả năng đàn hồi và collagen ở da.

Phòng tránh tia cực tím

Để phòng tránh tia UV thì chống nắng đúng cách rất quan trọng. Nên bôi kem chống nắng phổ rộng suốt ngày, đội mũ, đeo kính, che ô, đeo khẩu trang, găng, áo chống nắng, mặc quần áo sậm màu khi ra ngoài trời, hạn chế ra nắng nhất là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Các chế phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 15 đến 30 hấp thu được tia cực tím ở phổ rộng (hấp thu UVB lẫn UVA), thích hợp nhất cho việc sử dụng hằng ngày.

Trẻ em cần được đặc biệt chú ý phòng tránh tác hại của tia UV vì da của trẻ vốn non nớt và dễ tổn thương. 

Trường hợp lỡ để da bị cháy nắng, ửng đỏ, phồng rộp… thì phải có liệu trình phục hồi phù hợp bằng cách sử dụng kem dưỡng da thường xuyên, tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với ánh nắng trong 3 tuần vì đây là thời gian tối thiểu để da hình thành một lớp mới. Nếu không bảo vệ da sau khi cháy nắng thì làn da sẽ bị đen, sạm, tối màu mà không hồi phục được. Việc để da tiếp xúc liên tục với tia UV có thể làm ung thư da. Có nhiều dạng ung thư da, bao gồm: Ung thư u hắc tố, ung thư tế bào biểu mô, ung thư tế bào biểu mô có vảy và các khối u ác tính.

Bức xạ tia cực tím sẽ gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch liên quan đến việc ngăn chặn hình thành các khối u.  Tia cực tím chắc chắn có thể làm hỏng mắt vì 99% tia cực tím được hấp thụ ở phía trước của mắt. Kéo theo đó là các tổn thương cho giác mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng khi tiếp xúc tia cực tím lâu dài.

Bảo Khánh

“Khi da bị cháy nắng, có thể đắp dưỡng da bằng lô hội, sữa tươi, sữa chua không đường… để da hồi phục”, PGS.TS Phạm Văn Nho.

Theo Đời sống
back to top