Nhận biết ung thư vú di căn xương

(khoahocdoisong.vn) - Ung thư vú di căn xương thường chậm và kéo dài, đặt người bệnh vào tình trạng đau kéo dài và tàn tật.

Di căn xương là một trong những vị trí thường gặp nhất của di căn do ung thư vú. Trên 90% bệnh nhân ung thư vú có di căn xương. Xương cũng là vị trí tái phát thường gặp sau điều trị u nguyên phát.

Hình ảnh X-quang ung thư vú di căn xương có thể hủy xương, tạo xương, hỗn hợp hủy xương và tạo xương hoặc tổn thương loãng xương. Mặc dù đau là hậu quả của tất cả các thể bệnh, thể hủy xương và loãng xương có xu hướng dẫn đến kết cục cuối cùng là gẫy xương bệnh lý, bệnh cảnh đặc biệt do giảm khối lượng xương hoặc chèn ép tủy sống.

Đau là dấu hiệu thường gặp nhất ở các bệnh nhân di căn xương do ung thư vú. Gẫy xương bệnh lý có thể là dấu hiệu chỉ điểm di căn xương, tỉ lệ gẫy xương bệnh lý từ 8 – 29% hay gặp ở các xương dài.

Di căn xương do ung thư vú thường gặp ở các bè xương giàu tủy xương, khi bệnh tiến triển có thể thấy xâm lấn vỏ xương trên lâm sàng và X-quang. Di căn xương thường gặp ở xương chậu 55%, cột sống thắt lưng 54%, xương sườn 43%, xương dài 39%, xương sọ 29%, cột sống cổ 22%. Bệnh cảnh lâm sàng của di căn xương do ung thư vú thường chậm và kéo dài, đặt người bệnh vào tình trạng đau kéo dài và tàn tật.

Xạ hình xương có hiệu quả cao trong phát hiện tổn thương di căn xương. Các bất thường trên xạ hình thường chỉ ra hiện tượng tạo xương tại các vị trí di căn. Hủy xương có thể không thấy trên xạ hình, nên chụp X-quang phối hợp xạ hình xương giúp chẩn đoán xác định. MRI có thể giúp ích cho chẩn đoán sớm tổn thương di căn ở xương bè. Một số xét nghiệm sinh hóa về chuyển hóa canxi có thể giúp ích thêm cho chẩn đoán.

Mục đích chính của điều trị di căn xương nhằm giảm đau, phòng ngừa gẫy xương bệnh lý, tăng cường vận động và chức năng, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm. Cần phối hợp đa mô thức cho điều trị di căn xương: chống đau, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị triệu chứng.

GS.TS Nguyễn Bá Đức (nguyên Giám đốc BV K)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top