Nhận biết tinh dầu chổi gắn mác tinh dầu tràm

Theo các chuyên gia, tinh dầu chổi có giá thành rẻ, không có hoạt tính chữa bệnh giống như tinh dầu tràm, thậm chí có thể gây độc hại đối với trẻ em. Đến nay chưa có nghiên cứu chính thức nào về tinh dầu chổi. Việc nhận biết đâu là tinh dầu chổi, đâu là tình dầu tràm không khó.

Vỏ tinh dầu tràm, lõi tinh dầu chổi

V khoảng 9h ngày 8/5, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Huế bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh dầu tràm Phước Quy. Qua đó kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 1.087 chai dầu được dán nhãn mác “Phước Quy” và “Thiên An” nghi vấn không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như đã công bố.

Lực lượng công an đã lấy mẫu kiểm nghiệm và tạm giữ toàn bộ số sản phẩm dầu tràm trên. Đặc biệt, các trinh sát phát hiện tại cơ sở này có 3 thùng phi nhựa loại 180 lít bên trong chứa dầu chổi. Chủ cơ sở cho biết, số dầu chổi này sẽ chiết vào các chai nhỏ 100ml và được dán nhãn mác dầu tràm cung cấp ra thị trường với giá rẻ.

Đến ngày 10/5, Công an TP.Huế nhận được kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên- Huế về số dầu tràm mà cơ quan này lấy mẫu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, toàn bộ số dầu tràm tạm giữ không đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Cụ thể, hàm lượng Cineol trong các chai dầu tràm nói trên chỉ đạt 5-10%, trong khi theo quy định hàm lượng Cineol của dầu tràm phải đạt từ 40 đến 60%.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, tinh dầu chổi hay còn gọi là cây chổi xuể còn gọi là cây chổi sể, thanh hao, cho dầu. Cây bụi cao 0,5 – 2m. Phân nhánh ngay từ gốc, thân và cành nhỏ, mềm, mùi thơm. Lá mọc đối hình kim không có cuống, nhẵn bóng, dài chừng 1cm, chỉ có một gân ở giữa, trên phiến lá nhỏ có những tuyến nhỏ, màu nâu.

Hoa trắng nhỏ, mọc đơn độc ở nách lá. Lá bắc rất nhỏ bé, sớm rụng, nụ hoa hình chóp ngược. Cây mọc hoang nhiều và không có giá trị kinh tế. Tinh dầu chổi không có giá trị như tinh dầu tràm nên người ta làm giả để thu lời.

Một số địa phương đã bắt đầu dùng toàn cây (trừ bỏ rễ) hay hái cây về, phơi khô trong mát cho lá rụng hết, rồi dùng lá này cất tinh dầu gọi là tinh dầu chổi xuể hay tinh dầu chổi, còn gọi là dầu chổi.

Dựa trên mùi để nhận biết

PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết, trong tinh dầu tràm, thành phần đặc trưng nhất tạo nên giá trị của tinh dầu là 18 cineol, với hàm lượng tinh dầu chiếm khoảng 60-70%. Tinh dầu tràm có nhiều tác dụng như diệt khuẩn, xua đuổi côn trùng, phòng trừ cảm cúm, trúng gió… Trong khi đó tinh dầu chổi đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào.

Cho đến nay nhân dân thường chỉ dùng cây chổi xuể làm chổi quét nhà, lá và cành dùng cho vào chum vại đựng đậu xanh hay quần áo để tránh nhậy hay sâu bọ cắn hại. Khi đau bụng, người ta thường nằm trên giường hay chõng có nan thưa, dưới gầm đốt cây chổi xuể.

Trước đây không thấy nhân dân cất tinh dầu để dùng. Chỉ thấy ở một số nơi cất cây chổi xuể cùng với cây tràm và bán hỗn hợp tinh dầu tràm và tinh dầu chổi với nhau.

“Tinh dầu chổi có mùi rất hăng trong khi đó tinh dầu tràm có mùi rất đặc trưng, thơm đậm đà của chất cineol cho nên chỉ cần ngửi qua là có thể biết ngay đâu là tinh dầu tràm. Ngoài ra về màu sắc thì tinh dầu tràm rất trong, không vẩn đục, càng để lâu càng ngả sang vàng đậm. Tinh dầu dởm thì vẩn đục, có váng. Tinh dầu tràm là sản phẩm có giá trị, dùng để xuất khẩu được.

Tinh dầu chổi không có hoạt tính giống như tinh dầu tràm, nhưng nó không độc hại như người ta đồn đoán. Tinh dầu chổi cũng khá lành tính, nhưng nếu sử dụng để diệt khuẩn, thông mũi, làm ấm cơ thể, xua đuổi côn trùng… thì nó không có tác dụng”, PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết.

Một điểm khác biệt giữa tinh dầu tràm thật và giả đó là khi sử dụng trong trường hợp bị côn trùng đốt, dầu giả có thể làm phỏng da trong khi vết cắn không khỏi, còn dầu thật thì ngược lại.

 “Để tránh mua phải dầu tràm giả, đầu tiên đưa chai lên lắc thật mạnh đề dầu sủi bọt. Nếu là dầu thật thì sẽ tan bọt sau 3 -4 giây, còn nếu là dầu giả thì phải mất vài phút mới tan được”, PGS.TS Phạm Gia Điền

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top