Nhận biết nấm độc

(khoahocdoisong.vn) - Một gia đình ở Sơn La vừa ngộ độc nấm nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, độc tố trong nấm có thể giết người với hàm lượng cực nhỏ, trong khi mùa xuân là mùa nở rộ của nấm, các gia đình cần cẩn trọng khi sử dụng nấm lạ.

Diễn biến của ngộ độc nấm rất phức tạp

Ngày 3/3, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị đang điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc do ăn phải loài nấm kịch độc. Trước đó, ngày 25/2, anh Tẩn Văn L. (28 tuổi) ở xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đi hái 10 cây nấm trắng về nấu ăn cho cả gia đình. Bữa trưa gồm 4 người: 2 vợ chồng anh và 2 con. Sau ăn khoảng 12 tiếng, cả 4 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy liên tục. 4 nạn nhân được đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Quỳnh Nhai. Hiện 2 mẹ con tình trạng ngộ độc nhẹ hơn, đang được điều trị tại địa phương. Còn anh L. và 1 cháu bé 10 tuổi nặng hơn nên được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Hiện cả 2 bệnh nhân đều tỉnh táo, có thể tiếp xúc được, cháu bé có xu hướng cải thiện. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn chưa thể khẳng định được bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không vì diễn biến của ngộ độc nấm rất phức tạp.

TS Nguyễn Thị Chính, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu nấm cho biết, để phòng tránh ngộ độc, không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.

Ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan... chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người. Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. Nhiều người ăn nấm xong chỉ có cảm giác hơi khó chịu một chút, rồi cơn khó chịu cũng qua. Nhưng 2 ngày sau thì chất độc mới phát tác, không chữa được nữa, rất thương tâm.

Mùa xuân nở rộ nấm độc

TS Nguyễn Thị Chính cho hay, thời điểm mùa xuân là mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc nấm. Các loại nấm trong tự nhiên, đặc biệt là các loài nấm độc rất ưa ẩm, có mưa… chúng phát triển rất nhanh. Mùa xuân cũng là thời điểm những ca ngộ độc nấm xảy ra nhiều nhất. Do đó, người dân phải rất cẩn trọng với các loại nấm tự khai thác được trong tự nhiên. Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc do vậy chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm. Việc cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém trong khi tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc. Nếu không may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Để nhận biết nấm độc, có thể dùng phần trắng của hành lá chà xát lên phần mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu thì nấm đó có độc, còn ngược lại thì nấm không độc. Ngoài ra, có thể nhỏ lượng nhỏ sữa bò tươi lên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục thì khả năng cao nấm đó có độc. Nấm độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, nhiều màu, nổi bật hoặc có đốm màu đen, đỏ, trắng… nổi lên (chủ yếu ở mũ nấm). Mũ nấm có vằn, có hạt, vảy, màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân… Thông thường các loại nấm độc khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.

Khi có người có biểu hiện ngộ độc nấm cần nhanh chóng gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo Đời sống
back to top