Nhận biết kịp thời các dấu hiệu đột quỵ giúp hồi phục tốt

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nếu nhận biết được các dấu hiệu và cấp cứu trong “thời gian vàng”, người bệnh có cơ hội phục hồi. Ngược lại sẽ gây ra hậu quả nặng nề với sức khỏe. Hiện nay, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm.

Cấp cứu kịp- bệnh nhân phục hồi sau 12 tiếng

Anh Nguyễn Tuấn Q. (38 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BVĐHYD TPHCM) tái khám bệnh mạn tính định kỳ nhưng đột nhiên không nói được, rồi liệt tay, liệt chân. Anh Q. nhanh chóng được cấp cứu, chụp CT não sau đó điều trị thuốc tan cục máu đông, truyền thuốc và dùng dụng cụ lấy huyết khối chỉ trong vòng 25 phút. May mắn được phát hiện ngay tại BVĐHYD TPHCM và can thiệp kịp thời, người bệnh hồi phục rất nhanh, sức cơ trở lại được khá tốt, sau 12 tiếng thì người bệnh hầu như không còn triệu chứng, trở lại bình thường. Hình ảnh chụp MRI sau đó cho thấy người bệnh không còn tổn thương nào trên não, và hình mạch máu não đã thông hoàn toàn.

Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, BVĐHYD TPHCMM, điều trị đột quỵ tập trung vào điều trị cấp cứu. Dựa trên các phương pháp chẩn đoán, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Có 2 cách để cấp cứu và thông mạch máu. Thứ nhất là dùng thuốc làm tan cục máu, phương pháp này chỉ dùng trong 4 - 5 giờ đầu kể từ khi người bệnh có triệu chứng đầu tiên. Thứ hai là dùng dụng cụ để thông mạch máu, thời gian cửa sổ để áp dụng là 6 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Do đó, người bệnh cần được đưa đến cấp trong thời gian sớm nhất để kịp thời can thiệp.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 25 - 30% người bệnh sau đột quỵ tự đi lại, phục vụ bản thân; 20 - 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, đột quỵ là bệnh lý liên quan trực tiếp đến mạch máu não, gián đoạn việc cấp máu, làm não ngưng hoạt động, từ đó các chức năng do não điều khiển cũng sẽ ngưng hoạt động. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ: Một là do mạch máu bị vỡ, hai là do mạch máu bị tắc nghẽn. Người bệnh sẽ có biểu hiện yếu, liệt, không nói được, gục xuống, thậm chí là hôn mê. Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (hay còn gọi là quy tắc FAST) sau đây:

- F - Face (mặt): Người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh cười mở miệng lớn.

- A - Arm (cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

- S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.

- T - Time (thời gian): Tranh thủ tối đa thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc gọi xe cứu thương để được cấp cứu kịp thời.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng cho biết thêm, các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và những rối loạn về mỡ trong máu, bệnh tim, thừa cân, béo phì, người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia… là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn.

Để phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia lưu ý mọi người cần giữ lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, thể dục, thể thao; chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau xanh, giảm mỡ béo, đường bột; bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia… Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top