Nhà vườn “khóc ròng” vì trái cây rớt giá

Những ngày qua, giá nhiều mặt hàng trái cây như mít, xoài, chuối, thanh long… rớt giá mạnh nhưng vẫn ế ẩm, chi phí sản xuất lại tăng cao khiến nhiều nhà vườn rơi vào cảnh khốn đốn.

Xoài chín cũng không buồn hái vì giá quá thấp

Những ngày này, nhiều vườn xoài trĩu quả tại các xã Đăk R’la, Đăk Gằn (huyện Đăk Mil) bước vào vụ thu hoạch nhưng không thấy một bóng người. Xoài chín trĩu cành, rụng la liệt trên mặt đất, nhà vườn cũng không buồn hái vì giá quá thấp.

Theo người dân, giá xoài Đài Loan (Trung Quốc) bán tại vườn chỉ từ 2.000 - 3.000đ/kg, xoài Đài Loan màu tím có giá chỉ từ 7.000 - 8.000đ/kg nên nếu thu hoạch thì lỗ thêm chi phí thu hái.

Ông Lê Mạnh Hà (thôn Tân Lập, xã Đăk Gằn) cho biết, 2 năm trước với vườn xoài rộng gần 2ha, sản lượng ước đạt trên 50 tấn/vụ, với giá bán dao động từ 48.000 - 50.000đ/kg, sau khi trừ chi phí cũng cho gia đình ông thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm.

"Giá xoài tụt dốc không phanh là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài, hàng hóa không xuất khẩu được. Trong khi đó, giá đất lại tăng mạnh nên nhiều nhà vườn bán cả rẫy xoài", ông Hùng nói.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil cho biết, địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn của tỉnh Đăk Nông. Khoảng 5 năm trở lại đây, cây xoài được xem là một trong những cây chủ lực và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Toàn huyện hiện có hơn 1.000ha xoài các loại, năng suất bình quân đạt khoảng 25 - 30 tấn/ha; bình quân 3 vụ/năm.

Theo ông Lê Văn Hoàng, địa phương đã có kiến nghị tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến xoài và các sản phẩm từ xoài hay kho lạnh quy mô lớn để ổn định giá cả nông sản này giúp nông dân.

anh-1-17-.jpg
Vườn mít trĩu quả của ông Trần Văn Bé.

Còn ông Trần Văn Bé (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, ba năm trước khi giá cà phê giảm mạnh, làm không có lời, mít Thái lại có giá cao (45.000 - 48.000đ/kg) nên ông quyết định trồng xen mít vào 1,2ha vườn cà phê. Đến khi cây mít lớn, ông đã nhổ bỏ không trồng cà phê nữa.

“Nhưng từ khi mít cho trái thu hoạch, giá mít lại rớt thê thảm. Thương lái vào tận vườn, lựa trái đẹp mới mua, nhưng giá cũng chỉ 6.000đ/kg. Do nông sản rớt giá, chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… lại tăng quá cao khiến nông dân lâm vào cảnh càng làm càng lỗ”, ông Bé chia sẻ.

Cũng theo ông Bé, từ tháng 3/2021 đến nay giá đất trên địa bàn tăng cao, người dân càng không mặn mà với việc chăm sóc vườn cây. Cứ có ai vào hỏi mua đất, nhất là đất mặt đường bê tông, chỗ có view đẹp là người dân phân lô bán hết.

“Ngay đoạn đường nhà tôi, đường nhỏ nhưng người ta cũng phân lô 5x20, hiện họ đang rao bán với giá 1,3 tỷ đồng. Nhiều chủ vườn còn phá bỏ cây cà phê, lấy đất phân lô bán nền để chi tiêu. Cũng có người bỏ làm vườn để đi “cò đất”, ông Bé cho biết thêm.

anh-2.jpg
Một khu đất gần vườn nhà ông Trần Văn Bé được phân lô.

Giải pháp nào cho nông dân?

Ông Bùi Văn Độ (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho biết, mấy ngày gần đây, ông phải bê từng giỏ xoài Đài Loan đi từng nhà trong xóm để bán với giá 1.500đ/kg. Hiện tại, vườn nhà ông Độ còn 8 tấn xoài trong giai đoạn thu hoạch mà đợi mãi không có ai đến thu mua. Liên hệ thì đa số thương lái nói đang dội chợ, xuất khẩu sang Trung Quốc không được.

“Thấy xoài rụng trắng đất không ai mua, tiếc quá nên tôi hái đi bán trong xóm. Bán cả ngày cũng được vài chục nghìn. Ước gì, có người đến mua. Mắc rẻ gì cũng đỡ khổ”, ông Độ nói.

Cùng hoàn cảnh với ông Độ, ông Bùi Văn Út (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho hay: Nhà ông có 10 công đất trồng xoài Đài Loan hiện trong thời gian thu hoạch. Theo tính toán của ông Út, sản lượng cả vườn khoảng 20 tấn xoài, nhưng mỗi lần thương lái đến chỉ thu mua từ 200 - 300kg.

“Tiền phân, thuốc mỗi công bình quân 15 triệu đồng/năm. Đến ngày thu hoạch trái cây bán không được, coi như lỗ nặng. Đó là chưa tính tiền thuê nhân công bồi gốc, bao trái các thứ...”, ông Út buồn bã nói.

anh-5.jpg
Giá các loại xoài được niêm yết tại Siêu thị Winmart Bàu Cát.

Thực tế về giá thu mua trái cây tại các nhà vườn đã rõ, thế nhưng có một nghịch lý là khi các loại trái cây này tới tay người tiêu dùng, giá không hề rẻ. Tại các siêu thị, sạp trái cây tại các chợ truyền thống, cửa hàng… vẫn bán với giá cao gấp nhiều lần. Chẳng hạn, xoài cát Hòa Lộc bán ở nhiều cửa hàng lên đến hơn 110.000đ/kg, trong khi ở chợ đầu mối chỉ 40.000đ/kg.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên lúc 7h30 ngày 10/5, tại siêu thị Winmart Bàu Cát (đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình, TPHCM) xoài Cát Hòa Lộc được niêm yết giá 52.900đ/kg; xoài Cát Chu được niêm yết giá 32.900đ/kg; xoài xanh có giá 57.900đ/kg; mít cắt miếng giá 36.900đ/kg, mít bóc sẵn giá 77.900đ/kg.

Trong khi đó, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM, xoài được bày bán lề đường khá nhiều, với mức giá chỉ vài ngàn đồng/kg nên được nhiều người chọn mua. Người bán giới thiệu là xoài keo bán với giá 8.000đ/kg. Nếu khách mua 2kg thì được người bán giảm còn 15.000đ, khách mua 3kg còn 20.000đ. Tuy nhiên, theo những người am hiểu thì đây không phải xoài keo mà là xoài ghép hay còn gọi xoài hôi, xoài mủ. Loại xoài này ăn sống rất chua, còn ăn chín cũng không ngon.

anh-4-3.jpg
anh-3-4.jpg
Giá mít cắt miếng giá 36.900đ/kg, mít bóc sẵn giá 77.900đ/kg được bày bán tại Siêu thị Winmart Bàu Cát.

Ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, có tình trạng xoài Đài Loan và mít Thái của bà con nông dân trên địa bàn huyện đang gặp khó về đầu ra.

Nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, ông Em cho rằng, bà con nông dân không thể tiếp tục canh tác chạy theo thị trường. Trước đây, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến khích bà con phải liên kết sản xuất. Nông sản khi sản xuất nên đăng ký theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP để khi xuất đi các nước theo một chuẩn đầu ra chung, nâng cao chất lượng nông sản địa phương.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho rằng, với sản xuất nông nghiệp hiện nay, người nông dân không chỉ quan tâm đến chất lượng, năng suất mà còn cần quan tâm đến cung cầu thị trường, nắm chắc thông tin để không bị động khi thị trường diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Trung tâm đang hướng bà con sử dụng phân bón hợp lý, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ thay thế phân hóa học để giảm chi phí.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch và đang triển khai các mô hình sản xuất, hướng dẫn bà con trên cây mít, xoài, chanh không hạt, mãng cầu, cây lúa… Đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã để bà con sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với các doanh nghiệp. Khi bà con làm theo quy trình được chứng nhận GlobalGAP mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng đầu ra, giá cả cao hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào đầu ra trong nước.

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
back to top