Nhà vệ sinh không đơn giản là khu phụ

Không ít người chỉ quan niệm nhà tắm, nhà vệ sinh là khu phụ, không cần chú ý đến; nhưng thực tế chính việc không quan tâm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đúng cách đã khiến khu phụ thực sự trở thành ổ vi khuẩn khổng lồ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Khu phụ ngày nay được chú ý thiết kế đảm bảo công năng sử dụng, thư giãn và tính thẩm mỹ cao

Khu phụ ngày nay được chú ý thiết kế đảm bảo công năng sử dụng, thư giãn và tính thẩm mỹ cao.

Bí, ẩm và nấm mốc

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, Cầu Giấy, Hà Nội, quan điểm cho rằng nhà vệ sinh chỉ là khu phụ ngày nay đã không còn phù hợp. Thực tế, nhà vệ sinh, ngoài vấn đề giải quyết nhu cầu sinh lý của con người, còn là nơi để chủ nhà tận hưởng thời gian thư giãn, ngâm mình trong nước ấm, massage chăm sóc sức khỏe cho làn da,…

Vì thế, đòi hỏi nhà vệ sinh cần thoáng đãng, sạch sẽ và có tính thẩm mỹ. Nếu nhà vệ sinh bí, không khí không lưu thông được sẽ gây nên nhiều bất cập, phòng luôn tối và ẩm ướt sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi nảy nở.

Ngoài ra, mùi hôi từ hệ thống thoát sàn, thoát khí bể phốt sẽ bốc lên ám vào đồ dùng gây mất vệ sinh; mùi của các dung dịch tẩy rửa không bay đi được cũng góp phần làm cho không khí trong phòng tắm bị ô nhiễm. Cách tốt nhất giúp nhà vệ sinh thông thoáng là nên lắp quạt thông gió, mở cửa chớp màu, hoặc dùng gạch trong để lấy thêm ánh sáng,…

Hiện đại cũng chưa chắc sạch

Theo cảnh báo của các nhà khoa học thì ngay cả các phòng tắm và nhà vệ sinh với các thiết bị hiện đại cũng không hẳn đã sạch sẽ như vẻ ngoài sáng bóng của nó. Các “điểm nóng” của nhà vệ sinh cũng cần được khử khuẩn thường xuyên như vòi nước, cần gạt, bề mặt tường, tay nắm cửa, cửa phòng tắm,… Không nơi nào đáng bị coi là khu phụ trong không gian này, tất cả đều cần được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

Không nên có thói quen để đồ dùng như đá cọ, sữa tắm, xà phòng, thậm chí đồ chơi cho trẻ khi tắm lên két nước bồn vệ sinh. Nhiều người nghĩ đây là nơi sạch vì trên cao nhưng theo kết luận của nhiều nghiên cứu khoa học đây chính là ổ vi khuẩn, nhất là cần giật nước hay nút bấm xả nước nằm ngay phía trên này.

Theo một nghiên cứu của Đại học Arizona (Hoa Kỳ), mỗi centimet vuông bồn cầu có đến hàng trăm nghìn vi khuẩn trú ngụ và mỗi lần giật nước bồn cầu, các vi khuẩn này có thể theo các bọt nước bắn lên cao và lây nhiễm vào nhiều vật dụng, trong đó có bàn chải, khăn mặt.

Các nha sĩ khuyến cáo trước và sau khi đánh răng, cần rửa sạch bàn chải dưới vòi nước chảy trong ít nhất 20 giây. Ngoài ra cũng nên thường xuyên khử khuẩn cho bàn chải bằng nước oxy già pha loãng. Thay bàn chải mỗi tháng một lần kể cả khi trông bàn chải vẫn còn mới và lông bàn chải chưa bị sờn. Tốt nhất bàn chải đánh răng phải được để ở những chỗ khô ráo ngoài phòng tắm, hoặc có hộp đựng riêng, khô và sạch sẽ, tránh đặt bàn chải ở trên bồn rửa tay hoặc gần vòi nước.

Phòng tắm đủ sáng mới sạch

Theo KS Nguyễn Phan Sơn, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Nội thất Hoàng Gia, trong xu hướng thiết kế nội thất hiện đại,  nhà vệ sinh, phòng tắm, những nơi từng bị coi là khu phụ thì nay được coi là một không gian thư giãn cho mỗi thành viên trong gia đình. Vì vậy, phòng tắm nếu có cửa sổ rộng đón nắng sẽ luôn đem lại vẻ trong trẻo và thoáng đãng hơn là một phòng tắm bít kín.

Ánh sáng thiên nhiên được đưa vào tối đa các ngóc ngách, cùng với khí tươi từ bên ngoài thổi vào sẽ có tác dụng làm khô ráo không khí ẩm ướt trong phòng tắm, tạo sự thông thoáng, sạch sẽ. Nắng và gió cũng có tác dụng giúp làm sạch vi khuẩn, nấm mốc trong phòng tắm, giúp không gian này luôn khô ráo, sạch sẽ và không bị mùi hôi do khí thải, ẩm ướt, không khí tù đọng.

Ông Nguyễn Thành Vinh, cũng cho rằng ánh sáng thiên nhiên sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn mọi ngóc ngách trong phòng tắm để thấy được khi nào cần vệ sinh tổng thể cho khu vực này. Tất nhiên bạn không nên để phòng tắm cáu bẩn mới vệ sinh, mà nên định kỳ làm vệ sinh hàng tuần để đảm bảo sự sạch sẽ, hạn chế nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Phòng đủ sáng cũng sẽ giúp bạn nhìn rõ những chỗ bẩn cần tập trung hơn khi lau rửa.

Nên cố gắng giữ cho sàn phòng tắm luôn khô ráo, vừa tránh trượt ngã vừa đảm bảo vệ sinh. Dù phòng tắm nhỏ hay lớn, bạn cũng nên giữ cho nó càng thoáng đãng càng tốt. Quần áo bẩn, khăn tắm dùng xong nên mang giặt ngay, tránh tình trạng treo trong phòng tắm ẩm ướt làm phát sinh nấm mốc. Nhớ bật quạt thông gió sau khi tắm để không khí được lưu thông, tránh cho vi khuẩn tồn tại và phát triển. Nên lau chùi phòng tắm thường xuyên, đảm bảo rằng mỗi lần bạn bước vào đây đều thấy mọi thứ sáng bóng, sạch sẽ, tinh tươm.

Ông Nguyễn Thành Vinh

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top