Nhà ở xã hội, “cánh cửa hẹp” cho người có thu nhập thấp

(khoahocdoisong.vn) - Nhà ở xã hội là loại hình sản phẩm giúp biến giấc mơ có nhà ở của những người thu nhập thấp trở thành hiện thực. Nhưng để sở hữu được nhà ở xã hội, là không dễ dàng như mong muốn của người nghèo.

Xét duyệt: Cảm tính và rủi ro 

Nhờ được hưởng ưu đãi của Nhà nước, nhà ở xã hội thường có giá giảm hơn 20% so với giá nhà ở thương mại cùng vị trí. Tuy nhiên hiện nhu cầu về nhà ở xã hội quá lớn, trong khi nguồn cung lại hạn chế, khiến các dự án nhà ở xã hội luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Từ đây, những bất cập trong khâu xét duyệt hồ sơ người được mua nhà ở xã hội đã phát sinh.

Theo quy định, để được mua nhà ở xã hội, người mua (đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội) phải chuẩn bị một số hồ sơ cụ thể. Như hồ sơ tình trạng nhà ở; hồ sơ về thu nhập hàng tháng có xác nhận của địa phương…

Sau khi tập hợp đầy đủ giấy tờ đăng ký của các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xem xét từng hồ sơ, đối chiếu vớic quy định về đối tượng, điều kiện theo quy định để lập danh sách đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc giao cho chủ đầu tư vừa xây nhà, vừa chấm điểm xét duyệt là bất hợp lý. Bởi chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc làm sao để bán được nhà, bán càng nhanh, càng nhiều, thì càng tốt. Còn bán đến đúng tay các đối tượng thụ hưởng hay không, thì không phải là ưu tiên hàng đầu của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, hồ sơ mua nhà ở xã hội người có nhu cầu tự làm, tự xin xác nhận. Đơn vị xét duyệt là chủ đầu tư chỉ dựa trên hồ sơ để chấm, chứ không đi kiểm tra xem hoàn cảnh của người mua nhà có đúng như khai báo, việc chấm điểm cũng hoàn toàn theo cảm tính. Từ đó, tạo nguy cơ tiêu cực trong hoạt động giao dịch ở phân khúc này. Cụ thể là tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ nhà ở xã hội, mua bán kiếm lời, dẫn người thực sự có nhu cầu khó tiếp cận nhà ở xã hội. 

Chị Mạc Thị Tuyền (29 tuổi, hiện đang ở trọ tại quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, gia đình chị đã phải ở trọ nhiều năm. Đầu năm 2018, nghe bạn bè giới thiệu về dự án nhà ở xã hội do Công ty Hoàng Quân làm chủ đầu tư (tại quận Bình Tân, TPHCM). Chị lên mạng internet để tìm hiểu, nhưng các thông tin về dự án này rất ít, đến khi gặp được chủ đầu tư thì thời gian nhận hồ sơ cũng gần xong nên không kịp hoàn tất hồ sơ xét duyệt.

"Nghe nhà giá rẻ vợ chồng tôi ham lắm, nhưng số lượng thì quá ít, thông tin hạn chế, thủ tục phức tạp, khó tiếp cận. Mong cơ quan nhà nước làm sao để suất mua nhà ở xã hội mới đến đúng đối tượng như gia đình tôi” - chị Tuyền đề nghị.

Bị trục lợi

Trước những rào cản lớn về nguồn cung, thủ tục, nguồn vốn vay…, giờ đây người có thu nhập thấp còn phải đối mặt với nạn trục lợi chính sách, khiến ước mơ được sở hữu một căn nhà  nhà ở xã hội ngày càng hẹp lại. Tình trạng người thuộc diện được mua nhà ở xã hội, nhưng sau đó lại chuyển nhượng, cho thuê trái quy định để lấy tiền chênh lệch; chủ đầu tư rao bán nhà ở xã hội theo giá thương mại… ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

Mới đây, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở này đang tiếp tục rà soát, làm thủ tục thu hồi các trường hợp vi phạm về sử dụng căn hộ chung cư diện nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Theo đó, qua rà soát tình trạng nhà, đất của 1.324 cán bộ, công chức, viên chức được bố trí căn hộ nhà ở xã hội, Thanh tra TP.Đà Nẵng phát hiện 495 trường hợp đã có nhà, đất nhưng vẫn được bố trí căn hộ nhà ở xã hội. Trong số này, có 56 trường hợp có từ 2 thửa đất trở lên; 20 trường hợp bị phát hiện chuyển nhượng trước thời gian thanh tra; 3 trường hợp đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt cho mua đất làm nhà nhưng không báo cáo để thu hồi căn hộ theo quy định. Trong quá trình kiểm tra thực tế 190 căn hộ, Thanh tra thành phố Đà Nẵng cũng đã phát hiện 17 trường hợp cho người khác ở; 2 trường hợp ở không thường xuyên; 8 trường hợp không xác minh được, 61 trường hợp cho thuê căn hộ chung cư không có văn bản đồng ý của UBND TP Đà Nẵng….

Còn tại Khánh Hòa, chính quyền tỉnh đã liệt kê nhiều sai phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư xây dựng và thực hiện dự án nhà ở xã hội Khu dân cư Bắc Vĩnh Hải (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) do Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Theo Kết luận thanh tra số 643/KL-UBND của UBND tỉnh Khánh Hoà, tính đến tháng 10/2018, dự án đã chậm tiến độ 20 tháng so với chấp thuận đầu tư được phê duyệt.

Đáng chú ý, tỉnh Khánh Hòa kết luận chủ đầu tư đã vi phạm về điều kiện bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai. Đồng thời, chủ đầu tư không trung thực trong việc cung cấp hồ sơ nghiệm thu phần móng công trình. Và mở bán dự án khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu phần móng, báo cáo không đầy đủ bằng văn bản tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê để Sở Xây dựng biết và kiểm tra. Mặt khác, sau khi ký hợp đồng mua bán, cho thuê, chủ đầu tư đã không lập đầy đủ danh sách đối tượng đã mua, thuê và báo cáo về Sở Xây dựng để công bố công khai.

Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa kết luận chủ đầu tư đã vi phạm quy định về đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ khi bán nhà ở xã hội với giá thương mại cho người nước ngoài. Cùng với đó là thu tiền vượt quá 70% giá trị căn hộ là không đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 63 Luật Nhà ở năm 2014. Thêm vào đó, chủ đầu tư đã không trình hồ sơ thẩm định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội làm cơ sở ký hợp đồng bán nhà, mà sử dụng giá tự công bố.

Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả người mua số tiền đã đặt mua. Buộc công ty hoàn trả lại phần chênh lệch và bồi thường thiệt hại (nếu có). Yêu cầu công ty có trách nhiệm thanh toán tiền lãi phạt chậm tiến độ theo hợp đồng, tiền hỗ trợ tiền thuê nhà cho khách hàng mua nhà ở xã hội tại dự án này.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top