Nhà chống bão

(khoahocdoisong.vn) - Sinh ra và lớn lên ở miền Trung nhiều thiên tai, bão lũ, Phan Văn Sinh – cựu sinh viên trường Đại học Kiến trúc TP HCM hơn ai hết hiểu rõ những khó khăn mà người dân vùng bão phải gánh chịu.

Từ đó Sinh đã thiết kế nên ngôi nhà có thể giúp người dân chống lại mưa bão miền Trung.

Ngôi nhà mà Sinh thiết kế có kết cấu khá đơn giản. Mặt bằng hình chữ nhật có chiều dài bé hơn ba lần chiều rộng. Bên cạnh đó cần gia cố thêm tường ngang để tăng cường độ ổn định cho công trình khi chịu tải trọng ngang theo phương cạnh ngắn.

Nền móng của nhà phải được đầm chặt hoặc đóng bằng cọc tre, đủ sức chịu được tải trọng lớn, độ giật cao. Tùy khả năng kinh tế, người dân có thể chọn nguồn vật liệu khác nhau: Móng đá chẻ, gạch đất sét nung, móng trụ tre... Độ sâu chôn móng phải đủ lớn (1,5-2,5m). Việc liên kết khung chịu lực với móng bằng cách liên kết cốt thép dọc trong cột với cốt thép móng. Gia cường giằng đứng, giằng ngang trong thân tường để đảm bảo công trình ổn định chống lực xô ngang và lực rung... Còn về phần mái, Sinh nhận thấy mái dạng cong là tốt nhất, áp lực giữ mái lớn, không tạo ra vùng quẩn gió. Các lỗ cửa phải đặt đối xứng nhau để giảm áp lực gió; hạn chế trổ cửa quá nhiều trong một mảng tường.

Ngoài ra, việc chọn vị trí xây nhà thích hợp cần chú ý lợi dụng địa hình, địa vật. Cần xây dựng tập trung thành từng khu vực, bố trí các nhà nằm so le nhau giúp lưu thông gió dễ dàng; tránh bố trí các nhà thẳng hàng, dễ tạo túi gió hoặc luồng xoáy nguy hiểm.

Theo Đời sống
back to top