Nguyễn Tri Phương quyết tử bảo vệ thành Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Nguyễn Tri Phương quyết tử bảo vệ thành Hà Nội, một lòng quyết tâm đánh Pháp đến cùng để bảo vệ độc lập dân tộc. Khí phách, lòng tận tụy vì nước, vì dân của ông còn sống mãi.

Phẩm cách hơn người

Nguyễn Tri Phương (Nguyễn Văn Chương; 1800-1873), tự Hàm Trinh, hiệu Đồng Xuyên; sinh ngày 21/7/1800; quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế; là một đại danh thần, một danh tướng Việt Nam, Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873); xuất thân trong một gia đình nông dân làm ruộng và nghề thợ mộc, có ý chí tự lập, học văn chương, nhưng không học theo lối cử nghiệp, say mê học võ thuật, nghiên cứu binh thư đồ trận, đọc cả các sách thượng thư, hiếu kinh, tả truyện, luận ngữ...

Năm 1820, ông làm thơ lại tại huyện đường Phong Điền. Năm 1823 vua Minh Mạng đề bạt ông hàm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện). Được vua Minh Mạng tin dùng khen tặng: phẩm cách hơn người, chữ tốt, văn hay, dù bậc đại khoa cũng không hơn được; năm sau thăng Tu soạn rồi Thừa chỉ ở Nội các, hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ, năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh.

 Năm 1832, ông được sung vào phái bộ sang Trung Quốc liên hệ việc thương mại. Năm 1835, nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định thị sát tình hình, cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang, việc thành công, được phong chức Thị lang. Năm 1837, do triều thần dèm pha nên bị giáng làm thơ lại ở Bộ Lại; cuối năm được phục chức hàm Chủ sự, sung chức Lang trung, năm sau thăng Thị lang Bộ Lễ, rồi Tham tri làm việc ở Nội các (1839).

Được ghi công trạng vào bia đá Võ Miếu

Năm 1840, được bổ làm Tuần phủ Nam Nghĩa (Quảng Nam, Quảng Ngãi) trông coi việc bố phòng cửa biển Đà Nẵng, khi công việc hoàn thành, ông được triệu về kinh thành thăng Tham tri Bộ Công và được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường). Tại đây ông dẹp được các toán giặc cướp nước ngoài vào quấy phá. Tháng 5 âm năm 1844, ông được cải bổ Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên).

Năm 1845, cùng Võ Văn Giai, Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị chỉ huy đánh dẹp giặc Xiêm La vào quấy phá vùng biên giới, đuổi quân địch đến tận U-Đông, buộc tướng địch là Phi Mã Chất Tri phải cầu hòa, vùng biên giới phía tây được giữ yên, tăng thêm thế lực của đất nước. Sau thăng Khâm sai quân thứ đại thần Trấn Tây hàm tòng Hiệp Biện Đại học sĩ, được thưởng danh hiệu “An Tây trí dũng tướng”.

Năm 1847, được triệu về kinh, thăng hàm Chánh Hiệp biện Đại học sĩ, giữ chức Thượng thư bộ Công đại thần cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử, được ban một ngọc bài có khắc 4 chữ “Quân kỳ thạc phụ”, được ghi công trạng vào bia đá ở Võ miếu Huế. Sau khi vua Thiệu Trị mất, được đình thần tôn làm Phụ chính đại thần. Năm 1848, được vua Tự Đức phong tước Tráng Liệt Bá.

 Năm 1850, vua Tự Đức chuẩn phê cải tên ông là Nguyễn Tri Phương. Từ đó tên Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông, được phong chức Khâm sai Tổng thống Quân vụ, kiêm Tổng đốc sáu tỉnh Nam Kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên).

Năm 1853, được thăng Điện hàm Đông các Đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, Nguyễn Tri Phương còn có công lớn lập đồn điền, tổ chức khai hoang, lập ấp, dân cư vùng Nam Bộ được an cư lạc nghiệp.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top