Nguyên tắc thực phẩm cho người cao tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Đối với người cao tuổi, từ các lựa chọn, bảo quản đến chế biến thực phẩm đều cần phải thận trọng để tránh bệnh tật.

Nguyên tắc 2h

Bà Nguyễn Thị Liễu (Cù Chính Lan, Hà Nội) cùng nhiều bạn đọc khác hỏi về những nguyên tắc dinh dưỡng dành cho người cao tuổi có gì đặc biệt. Cần lưu ý, lựa chọn thực phẩm, chế biến, bảo quản như thế nào để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh bệnh tật cho người cao tuổi.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, trong vấn đề dinh dưỡng với người cao tuổi, từ khâu chọn lựa đã phải rất thận trọng. Người cao tuổi thường mắt kém, khi đi chợ, siêu thị rất khó nhìn dòng chữ hạn sử dụng thực phẩm. Do đó, con cái trong gia đình cần trợ giúp họ lựa chọn thực phẩm an toàn.

Đối với các loại  thực phẩm đóng hộp thì hạn sử dụng phải còn dài, bên ngoài không bị móp méo, hư hỏng. Hãy để những thực phẩm dễ bị hư hỏng vào tủ lạnh ngay sau khi đi mua sắm. Trường hợp đi chợ truyền thống thì phải để riêng rẽ các loại thực phẩm tươi sống với hoa, quả và thực phẩm khô, tránh lây nhiễm chéo, hay tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển.

Luôn nhớ nguyên tắc 2 giờ. Tất cả những thực phẩm dễ hư hỏng không được để ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng đồng hồ. Bởi đó là khi các vi khuẩn có hại bắt đầu nhân lên. Và nếu trời nóng với nhiệt độ trên 32 độ C thì không để thực phẩm ở ngoài quá 1 tiếng.

Ngoài ra, người cao tuổi phải cẩn trọng với những món ăn dễ gây ngộ độc hoặc các hình thức ăn sống hoặc ăn tái như các loại cá, động vật có vỏ (trai, sò, hến, cua, tôm,....), thịt gia súc, gia cầm chưa chín, các loại cá xông khói được làm đông lạnh, bánh mì kẹp xúc xích, thịt nguội và thịt hộp (trừ khi đã được hâm nóng lại đến khoảng 75 độ C), các loại sữa chưa được thanh trùng, trứng và những sản phẩm làm từ trứng sống hoặc tái, thường có trong các loại bột bánh quy, rượu trứng, và một số loại sốt sa lát.

Người cao tuổi thường mắt kém, khi đi chợ, siêu thị rất khó nhìn dòng chữ hạn sử dụng thực phẩm. Do đó, con cái trong gia đình cần trợ giúp họ lựa chọn thực phẩm an toàn.

Người cao tuổi thường mắt kém, khi đi chợ, siêu thị rất khó nhìn dòng chữ hạn sử dụng thực phẩm. Do đó, con cái trong gia đình cần trợ giúp họ lựa chọn thực phẩm an toàn.

Không nhận biết thực phẩm có mùi lạ

Nhiều người cao tuổi than vãn là không phát hiện được mùi lạ trong thực phẩm cũng như không nhận biết được thực phẩm đã hỏng, do khứu giác kém đi. Đó là lý do dẫn đến nhiều khi bị ngộ độc thực phẩm.

Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế, khi lớn tuổi hơn, vị giác và khứu giác của chúng ta có thể thay đổi. Các loại thuốc mà người cao tuổi hay uống cũng có thể làm hương vị các món ăn bị biến đổi, không cảm nhận được hương vị cũng như mùi lạ của món ăn nếu có.

Không hiếm trường hợp người cao tuổi mắc phải tình trạng này, thậm chí dẫn đến những tai nạn như ngộ độc nặng. Cộng với thói quen “tiếc của” thì khả năng ăn phải thực phẩm đã hỏng là rất cao. Lời khuyên đưa ra là nếu có bất kì thực phẩm nào nhìn, có mùi hoặc hương vị lạ thì hãy vứt ngay. Nếu không chắc chắn, hãy nhờ con, cháu kiểm tra giúp.

Khi bạn muốn sử dụng các thực phẩm được đóng gói, trước tiên hãy kiểm tra hạn sử dụng trên bao bì. Một số thực phẩm có thể bị để trong tủ quá lâu đến mức hết hạn sử dụng. Chỉ bảo quản những đồ ăn thừa trong tủ lạnh trong khoảng 3 đến 4 ngày để giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Hãy vứt những thức ăn đã bị để trong tủ quá 3,4 ngày hoặc có những vùng bị mốc. An toàn thực phẩm cũng xuất phát từ cách bạn bảo quản thực phẩm an toàn. Đôi khi, nó chỉ đơn giản là làm theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

Theo các chuyên gia, thực phẩm cho người cao tuổi cần ưu tiên đầu tiên là an toàn, sạch rồi mới đến thành phần dinh dưỡng. Bổ sung nhiều rau củ quả để cải thiện hệ tiêu hóa.

“Đồ ăn để quá lâu vẫn sử dụng là thói xấu phổ biến ở người già. Khắc phục được điều này, sẽ hạn chế được đa số nguy cơ nhiễm độc thực phẩm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Theo Đời sống
back to top