Nguyên nhân khiến nhiều ca sốt xuất huyết trở nặng

Sốt cao nhưng không đi khám, tự điều trị tại nhà; hoặc hết bệnh mà không tái khám, bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo khiến nhiều ca sốt xuất huyết trở nặng.

BS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực (ICU), Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết người dân còn thiếu kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, nên bỏ lỡ giai đoạn điều trị sớm, thuận lợi nhất. Khi có dấu hiệu sốt cao - đặc trưng bệnh, họ không đi khám sớm mà tự điều trị tại nhà. Hoặc có người đã được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết, hẹn tái khám theo chỉ định nhưng họ không tuân thủ.

Nhiều trường hợp chủ quan, nghĩ hết sốt là đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất. Đến khi có dấu hiệu nặng như li bì, chảy máu chân răng, máu cam, đau bụng nhiều... mới nhập viện thì bệnh nhân đã vào sốc.

Cần nhớ rằng, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần, với 4 chủng lưu hành (kí hiệu DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4) của virus dengue gây bệnh. Đặc biệt, những lần mắc bệnh sau sẽ nặng hơn lần trước, do ảnh hưởng của miễn dịch chéo, gây phản ứng viêm mạnh hơn (bão cytokine). Mặc dù vậy, đa số bệnh nhân sẽ tự hồi phục, khỏi bệnh sau 5-7 ngày, nếu được phát hiện sớm. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Để tránh bệnh biến chứng nặng, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị sốt, người dân không nên tự mua thuốc, tự điều trị. Trường hợp sốt từ 2-3 ngày trở lên nên nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và phải đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán.

Khi được chẩn đoán sốt xuất huyết, người bệnh phải tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ mỗi 12 giờ hoặc hằng ngày. Lưu ý, khi bệnh nhân hết sốt càng phải theo dõi dấu hiệu bệnh sát sao hơn. Người nhà cần nắm những dấu hiệu cảnh báo của bệnh, gồm hết sốt vẫn lừ đừ, mệt mỏi, tay chân lạnh, da nổi bông, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, chảy máu răng, rong kinh ở phụ nữ, đi tiêu phân đen... để đưa người bệnh nhập viện ngay.

Theo Đời sống
back to top