Nguyên nhân gây đau do thoái hóa đĩa đệm cột sống

(khoahocdoisong.vn) - Thoái hóa đĩa đệm (THĐĐ) là nguyên nhân phổ biến gây đau vùng thắt lưng, cổ và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. THĐĐ có thể đau dữ dội, mất vận động hoặc không đau. Vậy nguyên nhân đau từ đâu?

Sự lão hóa thông thường của cột sống

Đĩa đệm bị thoái hóa về bản chất không phải là một bệnh. Nó là sự lão hóa thông thường của cột sống theo tuổi tác. Tuy nhiên, thuật ngữ thoái hóa không đề cập đến các triệu chứng, mà là mô tả một quá trình đĩa đệm bị thoái hóa theo thời gian. Tình trạng đau không dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng lâu dài và hầu hết các trường hợp thấy tốt hơn nếu có đủ thời gian để nghỉ ngơi và thực hiện các phương pháp điều trị không phẫu thuật.

Một đĩa đệm cột sống bị thoái hóa không phải lúc nào cũng dẫn đến đau vì bản thân đĩa đệm có rất ít lớp đệm bên trong, cơn đau thường xảy ra khi đĩa đệm thoái hóa ảnh hưởng đến các cấu trúc khác trong cột sống (như cơ, khớp hoặc rễ thần kinh). Đau liên quan đến THĐĐ thường bắt nguồn từ hai yếu tố chính:

Tình trạng viêm nhiễm: Các protein viêm từ bên trong đĩa đệm có thể bị rò rỉ ra ngoài khi đĩa đệm bị thoái hóa, gây sưng tấy cho các cấu trúc cột sống xung quanh. Tình trạng viêm này có thể gây căng cơ, co thắt cơ và đau cục bộ ở lưng hoặc cổ. Nếu một rễ thần kinh bị viêm, đau và tê có thể lan vào cánh tay và vai (gọi là chứng đau lan rễ thần kinh cột sống cổ trong những trường hợp THĐĐ cột sống cổ), hoặc đau lan xuống hông hoặc chân (gọi là chứng đau lan rễ thần kinh cột sống thắt lưng, trong trường hợp THĐĐ cột sống thắt lưng).

Sự mất vững bất thường do các vi chuyển động: Sự đàn hồi và độ vững của đĩa đệm thường giảm đi khi lớp ngoài của đĩa đệm (lớp bao xơ) bị thoái hóa, dẫn đến các chuyển động nhỏ, không tự nhiên giữa các đốt sống. Những vi chuyển động này có thể gây căng và kích thích ở các cơ xung quanh, khớp và/hoặc rễ thần kinh xung quanh khi đoạn cột sống ngày càng mất vững, gây ra các cơn đau dữ dội hơn từng đợt.

Cả chứng viêm và sự mất vững bất thường do các vi chuyển động có thể gây ra co thắt cơ lưng dưới hoặc cơ vùng cổ. Khi cơ bắp co thắt lại là nỗ lực của cơ thể để làm vững cột sống. Việc căng và co thắt cơ có thể khá đau, và được cho là nguyên nhân gây ra các cơn đau dữ dội liên quan đến THĐĐ.

Cẩn thận hạn chế vận động

THĐĐ thường xảy ra nhất ở cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng (lưng thấp), vì tại những vùng này, cột sống chịu nhiều chuyển động nhất và dễ bị hao mòn và rách nhất. Triệu chứng rõ ràng nhất của THĐĐ là cơn đau cấp mức độ nhẹ, liên tục xung quanh đĩa đệm bị thoái hóa, thỉnh thoảng bùng phát thành cơn đau dữ dội hơn, có khả năng gây hạn chế vận động.

Cơn đau bùng phát có thể liên quan đến tăng hoạt động gần đây và những gánh nặng bất thường trên cột sống, hoặc chúng có thể phát sinh đột ngột mà không có nguyên nhân rõ ràng. Các đợt đau có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần trước khi trở lại mức độ đau nhẹ hoặc tạm thời biến mất hoàn toàn. Các triệu chứng phổ biến khác của THĐĐ bao gồm:

- Đau tăng lên khi thực hiện các hoạt động uốn cong hoặc vặn cột sống, cũng như nâng vật nặng.

- Cảm giác “cứng mỏi”, gây ra bởi sự mất vững của cột sống, trong đó cổ hoặc lưng có cảm giác như không thể nâng đỡ được bản thân và có thể bị khóa lại và gây khó khăn khi cử động.

- Căng cơ hoặc co thắt cơ là những tác động phổ biến của sự mất vững cột sống. Trong một số trường hợp, THĐĐ có thể không gây đau nhưng do co thắt cơ khiến người bệnh đau đớn nghiêm trọng và trở nên hạn chế vận động tạm thời.

- Có thể có cảm giác đau lan tỏa, cảm giác đau nhói, như dao đâm hoặc nóng. Trong trường hợp THĐĐ cột sống cổ, cảm giác đau nhức ở vai, cánh tay, bàn tay (gọi là chứng đau rễ thần kinh cột sống cổ); trong trường hợp THĐĐ thắt lưng, cảm giác đau ở hông, lan xuống mông, hoặc xuống mặt sau của chân (gọi là chứng đau rễ thần kinh cột sống thắt lưng).

- Đau tăng lên khi giữ một số vị trí nhất định, chẳng hạn như ngồi hoặc đứng trong thời gian dài (làm trầm trọng thêm tình trạng đau thắt lưng), hoặc nhìn xuống điện thoại hoặc sách quá lâu (làm trầm trọng thêm chứng đau cổ).

- Giảm đau khi thay đổi tư thế thường xuyên, thay vì ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Tương tự như vậy, thường xuyên kéo căng cổ có thể giảm đau đĩa đệm cổ và đi bộ ngắn, thường xuyên trong ngày có thể giảm đau đĩa đệm thắt lưng.

- Cơn đau có thể giảm bớt với một số tư thế nhất định, chẳng hạn như ngồi ở tư thế ngả lưng hoặc nằm xuống độn một chiếc gối dưới đầu gối, hoặc sử dụng một chiếc gối duy trì độ cong tự nhiên của cổ khi ngủ.

Mức độ đau mãn tính khá khác nhau giữa các cá nhân, có thể từ hầu như không đau hoặc chỉ ở mức độ khó chịu dai dẳng, đến đau dữ dội và thậm chí tàn tật (hạn chế vận động).

Đôi khi đau mãn tính do THĐĐ có thể trở nên nghiêm trọng và hạn chế vận động hoàn toàn, nhưng tương đối hiếm.

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top