Nguyễn Cư Trinh – người mở cõi đất An Giang – Kỳ 2: Kế sách lấy độc trị độc

Kế sách lấy độc trị độc, dùng người Man chế ngự người Chân Lạp, hay dùng người Man chế ngự người Man cho thấy Nguyễn Cư Trinh là bậc thầy về binh pháp.

Lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ.

Chính sách dĩ man công man (lấy độc trị độc)

Với kế sách Tằm thực, Nguyễn Cư Trinh đã giúp cho chúa Nguyễn thu về vùng đất mới, tạo điều kiện cho lưu dân người Việt yên tâm làm ăn, gây dựng cơ nghiệp.

Quan trọng hơn, đây là một đường lối đối ngoại mềm dẻo, một tầm nhìn chiến lược, vừa mở rộng giang sơn. Đến đây, với nhiều kế sách linh hoạt của chúa Nguyễn, trong đó có sự đóng góp to lớn của Nguyễn Cư Trinh, các chúa Nguyễn đã xác lập được chủ quyền trên vùng đất lãnh thổ rộng lớn nối liền từ Gia Định đến Hà Tiên, toàn Nam bộ đã được tiếp thu vào lãnh thổ Đàng Trong.

Với kế sách này, chúng ta càng khâm phục tài năng, trí tuệ của Nguyễn Cư Trinh, việc thu phục được lãnh thổ đã là chuyện khó, nhưng duy trì, bảo vệ thành quả đó là một vấn đề hết sức quan trọng.

Bởi vùng đất Tầm Phong Long có địa hình hiểm trở, dân cư phức tạp với nhiều dân tộc quần tụ, để ổn định vùng đất này, Nguyễn Cư Trinh đã trình tấu lên chúa Nguyễn rằng: “Nay đất cũ từ Hưng Phước đến Sài Côn chỉ hai ngày đường, dân cư chưa yên ổn, quân giữ cũng chưa đủ, huống chi từ Sài Côn đến Tầm Bôn, xa 6 ngày đường, địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, quân chính quy đóng giữ thật e không đủ. Thần xem người Côn Man giỏi bộ chiến, người Chân Lạp cũng đã e sợ. Nếu cho họ ở đất ấy, khiến họ chế ngự (người Chân Lạp) lấy người Man đánh người Man, cũng là đắc sách”.

Có thể nói với kế sách dùng người Man chế ngự người Chân Lạp, hay dùng người Man chế ngự người Man cho thấy Nguyễn Cư Trinh là bậc thầy về binh pháp.

Với nhãn quan của một nhà binh, trong cuộc thu phục đất Tầm Phong Long này, Nguyễn Cư Trinh đã nhận ra thế mạnh, sở trường chiến đấu của người Man, người Côn Man giỏi bộ chiến, đây là cơ sở để ông phát huy và sử dụng họ trong việc giữ lấy thành quả ở vùng đất mới.

Ngoài ra kế sách này đã giảm áp lực cho sự thiếu hụt quân chính quy của chúa Nguyễn đóng binh ở vùng lãnh thổ rộng lớn này.

Công lao khai phá của người Việt

Từ quá trình lịch sử trên đây, không thể quan niệm một cách đơn giản rằng chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam bộ là do chiếm của Chân Lạp.

Chứng cứ lịch sử cho thấy, quốc gia đầu tiên vùng đất này là Phù Nam, mà cư dân chủ yếu là người protomalais, đến đầu thế kỷ thứ VII mới bị Chân Lạp tiến công tiêu diệt.

Tuy nhiên, Chân Lạp đã không có điều kiện để quản lý và khai thác vùng đất này. Sự sầm uất trù phú của Nam bộ là công lao khai phá của các nhóm cư dân Việt từ thế kỷ XVII. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá này và việc khẳng định quyền quản lý lãnh thổ là một hệ quả tự nhiên.

Quá trình thụ đắc vùng đất Nam Bộ của chúa Nguyễn chủ yếu thông qua khai phá hòa bình kết hợp với đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền của đất nước. Công trạng đó người có công đầu là Nguyễn Cư Trinh.

(còn nữa)

Tuấn Đạt

Theo Đời sống
back to top