Nguyễn Cư Trinh – người mở cõi đất An Giang

Nguyễn Cư Trinh – người mở cõi đất An Giang, người có công đầu trong việc khai phá hòa bình kết hợp với đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền đất nước ở vùng Nam Bộ.

Vùng đất Tầm Phong Long thời chúa Nguyễn.

Chinh phạt Chân Lạp thu nạp đất Tầm Phong Long

Sau khi lên làm vua nước Chân Lạp, Nạc Nguyên thường hay hà hiếp người Côn Man (người Chăm định cư trên đất Chân Lạp) và tìm cách đánh chúa Nguyễn giành lại các vùng đất đã mất.

Trước tình hình đó, Nguyễn Cư Trinh được giao trọng trách lớn lao là đánh dẹp quân phản loạn, ổn định cuộc cuộc sống của nhân dân mở rộng biên cương của quốc gia. Với tài năng đức độ, thao lược dùng binh, với nhiều chính sách an dân có hiệu quả, ông đã để lại dấu ấn trong hành trình Nam tiến của dân tộc Việt.

Nguyễn Cư Trinh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc hoàn tất chính sách mở cõi của chúa Nguyễn về phương Nam, khẳng định chủ quyền và biên giới quốc gia Đại Việt.

Để hoàn thành sứ mệnh Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh đã thực thi ở vùng đất Tầm Phong Long những chính sách mang tầm vóc lịch sử.

Nhận chỉ của chúa Nguyễn, Nguyễn Cư Trinh xuất quân năm Quý Dậu (1753) vào tập trung quân sĩ ở vùng Bến Nghé để ổn định quân ngũ, tính chở lương thảo chuẩn bị chiến đấu.

Mùa hạ năm Giáp Tuất (1754), Nguyễn Cư Trinh và Thiện Chính kéo quân chia làm hai ngả. Cánh quân do Nguyễn Cư Trinh chỉ huy đi đến đâu chiến thắng tới đó, giải thoát người Côn Man.

Đầu năm Ất Hợi (1755), cánh quân của Thiện Chính, trên đường tiến về Mỹ Tho, trong đoàn đi có dẫn người Côn Man đi theo, đến vùng Vô Tà Ân thì bị quân Chân Lạp đánh úp.

Nguyễn Cư Trinh đem quân ứng cứu được 5000 người vừa đàn ông và đàn bà đưa về cho cư ngụ dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh).

Nguyễn Cư Trinh và Trương Phước Du tiếp tục tiễu phạt Ba Nam, rồi Nam Vang. Nạc Nguyên, quốc vương Chân Lạp chạy sang Hà Tiên nương nhờ Mạc Thiên Tứ, dâng hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) xin hàng.

Kế sách Tằm thực (tằm ăn dâu) mở rộng giang sơn

Bị quân của Nguyễn Cư Trinh truy đuổi không còn con đường thoát thân, vua Chân Lạp phải dùng đất để đổi lấy tính mạng, song chúa Võ Vương không chấp thuận.

Trước tình thế đó Nguyễn Cư Trinh đã trình lên chúa Nguyễn bản tấu: “… Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này trước để củng cố mặt sau của hai dinh (Trấn Biên và Phiến Trấn). Nếu bỏ gần, mưu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ mà giữ thì thật khó. Trước kia mở rộng phủ Gia Định, tất phải mở trước đất Hưng Phước, rồi đến đất Đồng Nai, kiến quân dân đông đủ, rồi sau mở đến Sài Côn. Đó là cái kế “tằm ăn lá dâu”.

Nhận thấy kế sách tằm ăn dâu của bề tôi dâng lên có lợi lâu dài, chúa Nguyễn đã chấp thuận thu lấy đất hai phủ ấy.

Năm Đinh Sửu (1757), Nặc Nguyễn mất, chú họ là Nặc Nhuận đang làm giám quốc xin hiến đất Srok Treang  (tức đất Ba Thắc gần Sóc Trăng- Bạc Liêu) và Preah Trapeang (tức đất Trà Giang, gồm Trà Vinh- Bến Tre) cầu xin chúa Nguyễn phong làm vua Chân Lạp.

Chúa Võ Vương chấp thuận nhưng sau đó Nạc Nhuận bị con rể là Nạc Hinh giết và cướp ngôi. Cháu Nạc Nhuận là Nạc Tôn chạy ra Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ tâu với chúa Nguyễn xin được phong làm vua Chân Lạp.

Chúa Võ Vương thuận cho và sai Thống suất Ngũ dinh tại Gia Định là Trương Phước Du cùng Mạc Thiên Tứ mang quân đánh dẹp Nạc Hinh đưa Nạc Tôn về nước và được phong làm Phiêu Vương.

Để tạ ơn, Nạc Tôn cắt đất Tầm Phong Long (tức vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu về phía Bắc) dâng cho chúa Nguyễn.

(còn nữa)

Tuấn Đạt

Theo Đời sống
back to top