Nguyễn Công Trứ- kinh bang tế thế –  kỳ cuối:  Làm quan như leo dây

Nguyễn Công Trứ là nhà thơ có vị trí đáng kể trong văn học Việt Nam. Thơ ông mang màu sắc thời đại rõ rệt, xoay quanh chí nam nhi, cảnh nghèo, thế thái nhân tình và triết lý hưởng lạc.

Con người đầy khí phách

Chí nam nhi là lý tưởng sống của nhà thơ, ông đặt vấn đề sống ở đời phải làm việc có ích. Nguyễn Công Trứ là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, ông hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời.

Trong xử thế, ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn. Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời, ông rất yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đem chơi kể cả tài kinh bang tế thế.

Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách: “Kiếp sau xin chớ làm người –  Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Ông cũng là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng bò.

Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi, ông đáp: “Năm mươi năm trước anh hai ba” (Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam).

Nguyễn Công Trứ- kinh bang tế thế –  kỳ cuối:  Làm quan như leo dây ảnh 1

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Ngông từ lúc chào đời

Về Nguyễn Công Trứ có rất nhiều giai thoại, trong đó có giai thoại Nguyễn Công Trứ ngông ngay từ lúc chào đời cho đến tận khi chết.

Ngày mồng một tháng mười một năm Mậu Tuất 1778, tại tư gia của viên quan Tri huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, bà huyện họ Nguyễn sau cuộc vượt cạn kinh hoàng đã sinh hạ được một cậu con trai thân dài, trán rộng, mũi cao. “Trai mồng một, gái ngày rằm” quả không sai.

Vừa lọt lòng mẹ, cậu bé đã tỏ ngay sự ngông bướng của mình bằng cách không chịu mở mắt nhòm và không thèm mở miệng khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác. Người nhà và hàng xóm đưa hết nồi đồng, mâm thau khua gõ liên hồi, cậu vẫn điềm nhiên –  mặc? Chỉ đến khi cả đám người lớn đã mỏi rời rã, xuôi tay, lắc đầu thì cậu mới dõng  dạc cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng.

Người cha của đứa bé mừng khôn xiết, vì ông vốn hiếm muộn, năm đó đã ngón nghét lục tuần mới có được cậu con trai nối dõi. Là một nhà nho hay chữ, nghĩ đây cũng là một điềm triệu báo điều hỉ, ông bèn ra thư phòng  lấy giấy bút đặt tên cho con trai. Ông chọn cho cậu quý tử bướng bỉnh tên huý là Củng – theo chữ nho có nghĩa là bền chặt, vững vàng; còn tên chữ là Trứ -nghĩa là rõ ràng, nổi trội.

Cậu bé đó chính là Uy Viễn tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ tương lai và cũng là nhà thơ nổi tiếng kiêm tay chơi số một một thời.

Cả cuộc đời cậu Củng – Trứ về sau quả đúng như những quan sát dân gian và ước vọng thầm kín của người cha già – bền gan, vững chí và lẫy lừng sáng tỏ.

Đó là cái ngông khởi đầu và tới tận khi đón cái chết, Nguyễn Công Trứ vẫn ngông. Theo lời truyền, trước khi sang thế giới bên kia – chắc là cũng sẽ tiếp tục cái cuộc chơi bất tuyệt – Cụ dặn con cháu không nên bầy cuộc tang lễ để khỏi tốn kém, làm khổ dân làng, mà cứ để Cụ nằm nguyên trên chõng như khi đang ngủ, thả xuống huyệt là xong.

Nhưng không biết là các con cháu có dám nghe theo lời Cụ hay không? Xưa nay người đời sau vốn coi trọng cái lễ của mình hơn là hiểu và tuân theo được cái lý, cái lòng giản dị và khoáng đạt của những bậc vĩ nhân vừa khuất.

Cụ mất, theo Niên biểu ghi là ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858) nhưng chính trong gia phả lại chép là ngày Rằm. Nếu như vậy thì quả Cụ lại chơi ngông quả chót lựa đúng ngày sóc (mồng một để đến nhập cuộc tang bồng, rồi chọn đúng ngày Vọng trăng tròn 15 âm lịch để vĩnh viễn rũ trường danh lợi ra đi). Nguyễn Công Trứ qua đời, thọ 80 tuổi.

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top