Nguy hiểm trực chờ từ ấm siêu tốc giá rẻ

Chỉ với khoảng 100.000đ/chiếc, ấm siêu tốc các loại nhãn hiệu uy tín được bày bán khá nhiều ngoài thị trường và các trang buôn bán trên mạng xã hội. Theo các chuyên gia, sử dụng những chiếc ấm siêu tốc giá rẻ này, nguy hiểm sẽ luôn trực chờ.

Ấm siêu tốc giá… siêu rẻ

Phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là 2 loại là ấm siêu tốc vỏ nhựa và vỏ kim loại. Với loại ấm siêu tốc chính hãng, giá thường dao động từ khoảng hơn 1 – 3 triệu đồng/chiếc. Nhưng tại các cửa hàng nhỏ lẻ, chợ, loại ấm siêu tốc có hoặc không có nhãn mãn được bày bán chỉ với giá dao động từ 100.000 – 400.000đ/chiếc.

Hầu hết các loại ấm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, còn nơi sản xuất ở đâu, nhà nhập khẩu là ai thì không có giấy tờ hay xác nhận nào rõ ràng. Thậm chí có nhiều loại ấm có nhãn của các hãng điện tử lớn như Panasonic cũng có giá chỉ khoảng 100.000 – 200.000đ/chiếc. Quan sát kỹ cũng không thấy chiếc nào có tem dấu quy chuẩn theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Lan (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bà mua một chiếc ấm siêu tốc vỏ nhựa với giá 130.000đ ở cửa hàng gần nhà vì nghĩ nó tiện lợi, dễ sử dụng, nhưng chỉ dùng được khoảng hơn 1 tháng thì ấm bỗng dưng cháy khét lẹt. May mà có người ở nhà, kịp thời rút phích điện nên không xảy ra thương vong. Nghĩ đến sự an toàn của thiết bị điện, bà liền không tiếc tiền đầu tư một chiếc ấm siêu tốc chính hãng với giá 160.000đ.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, phần lớn tâm lý người tiêu dùng là muốn mua hàng rẻ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu mua phải sản phẩm ấm siêu tốc không hợp quy chuẩn an toàn, sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng, thậm chí gây thiệt hại cả về tính mạng. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp thiệt mạng mà nguyên nhân là do ấm siêu tốc rởm.

Còn nhớ năm ngoái đã có trường hợp bị điện giật gây tử vong ở Thái Nguyên do đang sử dụng ấm siêu tốc, khi rút phích cắm thì bị hở điện… Sự chênh lệch giá tiền này có thể hiểu được bởi với ấm giá rẻ, các linh kiện bên trong được làm tạm bợ, cẩu thả, thiếu an toàn. Hệ thống mâm nhiệt, rơle, dây dẫn, ổ cắm… không tương thích với nguồn điện là có thể gây ra tai họa cho người dùng.

Kiểm tra để biết chất lượng ấm siêu tốc

Nhận biết ấm chính hãng

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, nguyên lý của ấm siêu tốc khá đơn giản, giống i như một chiếc bếp điện nhưng có dòng điện lớn hơn. Khi cho nước vào ấp, nước sẽ tạo ra áp lực làm lạnh bộ phận đốt nóng phía đáy ấm. Khi bật công tắc điện, bộ phận đốt nóng này sẽ nóng dần lên, dòng điện do đó cũng lớn hơn so với bếp thường.

Khi nhiệt độ đạt đến 1000C thì rơle nhiệt ở phía tay cầm sẽ giãn nở và tự ngắt điện. Với các loại ấm giá rẻ, sử dụng các linh kiện rẻ, không đảm bảo chất lượng thì rất dễ dẫn đến chập cháy. Ví dụ như mâm điện chỉ làm bằng lớp kim loại mỏng, rơle không tự ngắt là ấp sẽ bị chập, cháy khét.

TS Trần Văn Thịnh: Khi mua hàng, người mua cần yêu cầu nơi bán cho dùng thử. Khi ấm nước đang đun thì bất ngờ nhấc ấm ra khỏi đế ấm để kiểm tra chất lượng. Nếu ấm tự động tắt thì là sản phẩm tốt, nếu ấm không tự động tắt được thì đó là sản phẩm kém chất lượng.

Theo TS Trần Văn Thịnh, ngoài giá tiền, bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được đâu là ấm siêu tốc đạt chuẩn. Ấm rởm thường rất nhẹ, lớp vỏ mỏng, gõ vào nghe lanh canh trong khi hàng chính hãng thì cầm lên nặng tay, vỏ ấm dày, gõ vào ấm có tiếng kêu lục cục.

Với sản phẩm đúng chuẩn có hoạt động tốt, khi nước sôi là tự động tắt ấm ngay. Trong khi sản phẩm chất lượng kém có rơle rất yếu, sau khi dùng vài lần là bị tê liệt. Nước sôi đến tràn ra khỏi ấm mà ấm cũng không tắt. Lúc này nguy cơ rò rỉ điện rất cao có thể gây phỏng, giật cho người dùng khi chạm vào ấm.

Với những sản phẩm chất lượng cao, người mua lật đế ấm lên sẽ thấy dây nhiệt được thiết kế nằm ẩn bên trong chứ không lồi lên trên như những sản phẩm có chất lượng kém. Tất cả các sản phẩm chính hãng đều có dán tem CR.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top