Nguy hiểm trẻ hóa đái tháo đường

Mắc đái tháo đường (ĐTĐ) ở nước ta hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt thường ngày; đặc biệt gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng...

Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bên cạnh ĐTĐ týp 1, xu hướng trẻ mắc ĐTĐ týp 2 cũng đang ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 10% trong tổng số những trẻ mắc ĐTĐ đến khám và điều trị.

Đưa đi khám béo phì mới phát hiện con bị ĐTĐ

Bệnh nhi Nguyễn T.T. (7 tuổi, Vũng Tàu) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM trong tình trạng khó thở, lơ mơ vì biến chứng cấp tính của ĐTĐ. Trước đó, em có dấu hiệu sụt cân, nhưng các bác sĩ tại địa phương cũng như gia đình cho rằng bé bị rối loạn tiêu hóa.

dai-thao-duong-tre-em-o-bv-nhi-dong-2.jpg
Bên cạnh tình trạng thừa cân béo phì, đái tháo đường týp 2 ở trẻ liên quan mật thiết đến tiền căn gia đình có đái thái đường.  Trong ảnh: TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, đang khám cho trẻ bị đái tháo đường. 

Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, ĐTĐ týp 2 ở trẻ liên quan mật thiết với tiền căn gia đình có ĐTĐ. Như trường hợp của bệnh nhi nói trên, bên cạnh trẻ có tình trạng thừa cân béo phì, qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện gia đình bên nội của bé có nhiều người thân bị mắc ĐTĐ.

ĐTĐ týp 1 trẻ em do nhiều cơ chế phối hợp lại, bao gồm di truyền, môi trường, miễn dịch. Bên cạnh đó, sự gia tăng ĐTĐ týp 2 ở trẻ rất đáng lo ngại, đặc biệt trẻ em ở những thành phố lớn.

Đối với những ca ĐTĐ mới, Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, tiếp nhận trung bình 2 - 3 ca/tháng. Những bệnh nhi ĐTĐ tích lũy đang theo dõi ở ngoại trú là khoảng 200 bé.

TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh cảnh báo, ĐTĐ týp 2 gia tăng liên quan đến tình trạng trẻ em ngày một thừa cân, béo phì. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, trẻ em ít vận động, tập thể dục, chỉ ở nhà xem tivi, chơi điện thoại, hay dùng thức ăn nhanh, nước ngọt, trà sữa… Thừa cân - béo phì gây ra tình trạng đề kháng insulin, nhất là ở các mô mỡ.

Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM từng tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi đã nặng trên 80kg. Bệnh nhi vào viện với bệnh cảnh là ĐTĐ týp 2 nặng.

Cũng theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, có thể trước đó, bệnh ĐTĐ đã diễn tiến âm thầm mà bé và gia đình không biết. Đến lúc bệnh nhi vào cấp cứu đã trong tình trạng tri giác lơ mơ, hôn mê, thở nhanh sâu, mất nước do nhiễm toan ceton tiểu đường.

ĐTĐ týp 2 ở bệnh nhi thường được phát hiện tình cờ nhờ đi khám thừa cân - béo phì. Khi bác sĩ thực hiện tầm soát xem bé có bị rối loạn chuyển hóa gì hay không mới phát hiện bé bị mắc đái tháo đường.

“Bốn nhiều” cảnh báo trẻ mắc ĐTĐ

Triệu chứng đặc trưng ở trẻ ĐTĐ là ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thường gọi là triệu chứng “bốn nhiều”.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, ít gặp trẻ ĐTĐ biểu hiện cả triệu chứng “bốn nhiều” mà chỉ gặp các triệu chứng hai hoặc ba “nhiều”, hay là các biểu hiện ăn kém, sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê).

Trẻ cũng có thể biểu hiện suy giảm sức đề kháng như bị nhọt da, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm quanh nướu răng hay biểu hiện thần kinh tê rần như kiến bò ở chân, mạch máu võng mạc như giảm thị lực, hoa mắt.

Trẻ cũng có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp hoặc đường tiêu hóa hay đường tiểu…

Khi có các triệu chứng gợi ý trên, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám tầm soát bệnh ĐTĐ.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, trong những ngày tháng bị giãn cách vì Covid-19, trẻ đã giảm vận động, ăn uống thất thường càng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị thừa cân - béo phì. Cuối năm nhiều dịp lễ, Tết, trẻ em lại càng ăn uống nhiều loại thức ăn, bánh mứt chứa hàm lượng đường rất cao.

Một số trẻ có nguy cơ tiềm ẩn bất dung nạp đường khi sử dụng bánh mứt nhiều dễ phát sinh ĐTĐ mà biểu hiện ban đầu với triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hay ói mửa, đau bụng sau đó thở mệt, rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm, ăn nhiều đường không gây ra bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, các chất ngọt làm bữa ăn mất cân bằng, lượng đường dư trong máu nhiều buộc tụy tạng và các cơ quan khác phải làm việc nhiều hơn để chuyển đường thành mỡ đưa đến mập phì và các rối loạn khác không có lợi cho sức khoẻ.

Trẻ cần khám tầm soát ĐTĐ sớm khi có 3 nguy cơ hoặc yếu tố sau:

- Tình trạng thừa cân - béo phì.

- Trẻ trên 10 tuổi hoặc vào tuổi dậy thì.

- Yếu tố cơ địa có tiền căn gia đình mắc các rối loạn chuyển hóa như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, ĐTĐ.

Theo Đời sống
back to top