Nguy hiểm rình rập từ trạm biến áp

Kinh doanh hàng quán ăn uống cạnh trạm biến áp (bốt điện) là hình ảnh phổ biến trên khắp Hà Nội. Ít ai ngờ rằng, bốt điện có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Ảnh ghi lại trạm biến áp trên đường Hoàng Hoa Thám – Hà Nội phát nổ sáng 31/3/2017

Bốt điện nổ tung

Ngày 17/11/2016, bốt điện nằm trên hè phố Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội phát nổ rồi bốc cháy. Hiện trường nằm sát cổng Ủy ban Mặt trận tổ quốc và đoàn thể quận Hà Đông, cách đường Trần Phú hơn 50m. Sau tiếng nổ, bốt điện bùng cháy và lan sang một số người ngồi ở quán nước ngay cạnh. Công an quận Hà Đông xác nhận 5 người bị thương trong đó 2 nạn nhân bị bỏng nặng phải đi viện cấp cứu.

Sự việc xảy ra sau khi một tốp thợ điện đã ghé trạm biến áp này sửa chữa. Gần trưa, lực lượng chức năng đến đấu lại và vài giờ sau thì xảy ra vụ nổ. Trạm biến áp bốc cháy được lắp trên vỉa hè, gồm tủ điện và biến áp gắn trên cột bê tông.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra sự vụ là do trong quá trình dòng điện vận hành không tải trước khi đưa vào vận hành chính thức, máy biến áp bất ngờ tràn dầu gây ra cháy.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, có nhiều nguyên nhân làm cho trụ điện phát nổ, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do quá tải. Bốt điện trông bên ngoài thì tưởng như vô hại nhưng thực tế lại vô cùng nguy hiểm mà ít người lường được.

Về tính an toàn, các trạm biến áp đều được trang bị hệ thống ngắt khi quá tải điện, với thời gian cực kỳ ngắn, chỉ 60 mili giây. Tuy nhiên, đôi lúc quãng thời gian này là quá chậm.

Dòng điện đôi lúc có thể tăng đột ngột vì một số lý do, như đoản mạch, chập mạch bởi các nguyên nhân như ngấm nước, bị ẩm, hoặc do tác động từ sinh vật như chuột, bọ…. Khi đó thì thảm họa sẽ xảy ra.

Thùng dầu trong các máy biến áp

TS Trần Viết Thành, Trường Đại học Điện lực cho biết, về thiết kế, bên trong các máy biến áp thường có chứa dầu mỏ do dầu mỏ có tính cách điện, dùng để làm mát mạch điện. Nhưng với dòng điện tăng đột ngột, mạch điện giống như bị “rán” cháy, chảy ra, hình thành các tia lửa điện, và khiến dầu bắt lửa. Trong một trạm biến áp tiêu chuẩn thường phải có vài gallon dầu (tương đương với khoảng hơn 10lít).

Với một không gian khép kín, chừng đó dầu có thể gây ra một vụ nổ lớn gây thương vong nặng cho những người xung quanh. Điều cũng nguy hiểm là việc tăng dòng điện đột ngột lại không thể biết trước được. Trên tất cả các bốt điện đều có ghi rõ “nguy hiểm, không lại gần”.

Tuy nhiên, do chủ quan nên các hoạt động buôn bán, nhất là các quán hàng rong, bán nước chè xanh… thường được “mọc” ngay bên cạnh các bốt điện.

Cũng theo KS Nguyễn Huy Bạo, tiếng nổ trong các bốt điện là do dầu làm mát trong các biến thế hạ áp bị lửa làm cháy, dẫn đến nổ. Giống như tụ điện, khi ta đấu ngược cực vào nguồn thì nó sẽ gây nổ vì trong các tụ điện có chất dung môi.

Dầu gặp nhiệt độ cao phát nổ là bình thường. Bốt điện phát nổ được coi là tai nạn không thể biết trước hay kiểm soát được. Theo quy định thì các bốt điện này đều phải có rào chắn, tường bao, cách xa nhà dân. Nhìn bên ngoài, không thể biết bốt điện có bị chập, cháy, hay lúc nào chúng phát nổ. Rủi ro này luôn luôn rình rập.

Theo các chuyên gia, việc ăn uống, kinh doanh, sinh hoạt quanh các bốt điện là cực kỳ nguy hiểm. Tính mạng sẽ bị đe dọa bởi bất cứ lúc nào, nên người dân cần phải cảnh giác để tự bảo vệ mình.

Ở các bốt điện, ngay cả khi không xảy ra chập, cháy nổ cũng rất nguy hiểm. Nhiều khi chỉ cần chạm vào vỏ bốt điện cũng có thể bị điện giật do rò rỉ điện. Do đó, tốt nhất là phải tránh xa bốt điện”

KS Nguyễn Huy Bạo

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top