Nguy hiểm rình rập từ ấm siêu tốc

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, loại ấm siêu tốc giá rẻ bán tràn lan hiện nay chính là “quả bom” trong nhà mà ít người để ý.

Linh kiện dởm, kém chất lượng

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành có 7 loại thiết bị điện và điện tử gồm: Bàn là, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và dán tem hợp quy (CR) khi đưa ra thị trường. Nhưng trên thị trường, ngay cả các siêu thị, loại ấm siêu tốc siêu rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/chiếc, không tem nhãn, bán nhan nhản. Trong khi tâm lý người mua thì luôn thích rẻ.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, nguyên lý của ấm siêu tốc khá đơn giản, giống i như một chiếc bếp điện nhưng có dòng điện lớn hơn. Khi cho nước vào ấm, nước sẽ tạo ra áp lực làm lạnh bộ phận đốt nóng phía đáy ấm. Khi bật công tắc điện, bộ phận đốt nóng này sẽ nóng dần lên, dòng điện do đó cũng lớn hơn so với bếp thường.

Khi nhiệt độ đạt đến 1000C thì rơle nhiệt ở phía tay cầm sẽ giãn nở và tự ngắt điện. Đế của ấm siêu tốc là một vành dây có gờ để ấn rơle với phần tiếp xúc và nối với rơle nhiệt cầm tay. Có lẽ do thiết kế đơn giản như vậy, dễ làm gia công, nên mới có loại ấm giá rẻ như vậy.

TheoS vật lý Nguyễn Văn Khải, mỗi chiếc ấm siêu tốc thường có hai rơle để tự động ngắt điện khi nhiệt độ quá cao hoặc có hiện tượng chập điện, một rơle ở phần tay cầm và một rơle ở phần đế nguồn. Với những chiếc ấm siêu tốc tốt, khi nước sôi rơle sẽ tự ngắt. Ngược lại, với ấm siêu tốc rẻ tiền, sau một thời gian sử dụng ngắn, rơle sẽ hoạt động kém nhạy, không tự ngắt và khi không kịp thời rút điện ra thì có thể gây cháy nổ.

Lý do là ấm siêu tốc rẻ tiền thường dùng dây mai-so giả inox, qua thời gian sẽ bị rỉ sét, ăn mòn dễ gây chập điện. Những chiếc ấm này có dây nguồn nhỏ, không chịu nổi công suất lớn. Người tiêu dùng không nên ham rẻ, dùng vài bữa là hỏng, và nguy cơ điện giật, nổ, chập, cháy lúc nào cũng chực chờ.

Dùng ấm siêu tốc đúng cách

Theo TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội ngoài giá tiền, bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được đâu là ấm siêu tốc đạt chuẩn. Ấm dởm thường rất nhẹ, lớp vỏ mỏng, gõ vào nghe lanh canh trong khi hàng chính hãng thì cầm lên nặng tay, vỏ ấm dày, gõ vào ấm có tiếng kêu lục cục. Với sản phẩm đúng chuẩn có hoạt động tốt, khi nước sôi là tự động tắt ấm ngay.

Trong khi sản phẩm chất lượng kém có rơle rất yếu, sau khi dùng vài lần là bị tê liệt. Nước sôi đến tràn ra khỏi ấm mà ấm cũng không tắt. Lúc này nguy cơ rò rỉ điện rất cao có thể gây phỏng, giật cho người dùng khi chạm vào ấm. Với những sản phẩm chất lượng cao, người mua lật đế ấm lên sẽ thấy dây nhiệt được thiết kế nằm ẩn bên trong chứ không lồi lên trên như những sản phẩm có chất lượng kém. Tất cả các sản phẩm chính hãng đều có dán tem CR.

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, sử dụng ấm siêu tốc không được quên vệ sinh, bảo dưỡng. Trường hợp nước có nhiều cặn thì có thể sử dụng các dung dịch làm sạch an toàn như giấm ăn. Pha giấm và nước theo tỉ lệ 1:1 rồi đổ hỗn hợp vào khoảng 1/2 đến 3/4 ấm. Sau đó, đun sôi hỗn hợp, để yên đấy khoảng 15 đến 20 phút sau khi sôi rồi đổ hết nước, giấm trong ấm đi. Sau khi vệ sinh ấm, cần đun sôi từ 1 đến 2 ấm nước lọc rồi đổ bỏ để loại trừ khả năng mùi dung dịch giấm còn bám lại trong ấm. Trường hợp lớp cặn này quá dày, thì có thể sử dụng miếng bọt biển để chà những vết bám này.

Theo các chuyên gia, với các loại ấm giá rẻ, sử dụng các linh kiện rẻ, không đảm bảo chất lượng thì rất dễ dẫn đến chập cháy. Ví dụ như mâm điện chỉ làm bằng lớp kim loại mỏng, rơle không tự ngắt là ấp sẽ bị chập, cháy khét.

Theo Đời sống
back to top