Nguy hại khi ăn hoa quả sai cách

Hoa quả là loại thực phẩm thông dụng và có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, việc ăn hoa quả sai cách lại gây ra những tác dụng ngược, thậm chí không ít trường hợp phải chịu hậu quả như vàng da, nổi mụn, trướng bụng…

Đừng kết hợp bữa bãi

Rất nhiều người cho rằng hoa quả là thực phẩm lành tính nhất nên không thể gây phản ứng khi ăn cùng các thực phẩm khác. Đó là một quan điểm sai lầm. Li Hongyan, một chuyên gia dinh dưỡng cao cấp người Trung Quốc đã giới thiệu trên ChinaDaily một số lưu ý về các món ăn, trong đó đề cập đến việc một số loại hoa quả có thể kỵ với các thực phẩm khác.

Việc ăn hoa quả sai cách có thể gây ra những tác dụng ngược.

Theo vị chuyên gia này, có nhiều loại trái cây “khó tính”, tối kỵ khi ăn cùng một số loại rau quả hay các thực phẩm khác vì có thể gây ra nhiều tác hại cho cơ thể. Ví dụ, trước và sau khi ăn quýt một giờ tuyệt đối không được uống sữa bò vì protein trong sữa bò gặp dịch quýt sẽ đông lại, gây khó khăn cho việc tiêu hóa và hấp thụ; không nên ăn hồng cùng với khoai lang, khoai tây. Bưởi không nên ăn khi uống cùng sữa vì protein trong sữa có thể phản ứng với axit tươi trong bưởi và khiến cho bụng trướng lên. Nếu quá nhiều có thể gây tiêu chảy.

Hoa quả cũng có hạn sử dụng

Đối với các loại thực phẩm như thịt, cá, bánh kẹo… mọi người thường để ý đến hạn sử dụng, nhưng với hoa quả thì lại không chú ý. Tuy nhiên, theo Times of India, thực tế mỗi loại hoa quả đều có hạn sử dụng riêng. Ví dụ, chuối là 3 – 4 ngày khi bắt đầu chín; táo khoảng 1 tuần, lê là 5 – 6 ngày; đu đủ: 2 – 3 ngày khi bắt đầu chín, hồng xiêm: 2 ngày kể từ khi bắt đầu chín.

Các loại hoa quả này có thể bảo quản lâu hơn nếu để trong tủ lạnh, nhưng không phải cứ để bao lâu tùy thích. Đặc biệt là đối với hoa quả đã gọt vỏ, ép thì thời hạn sử dụng thường là rất ngắn. Lý do là bởi các loại vitamin bổ dưỡng trong trái cây như vitamin C, folate… có thể bị mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, không khí, nhiệt độ…

Quá trình mất chất này càng tăng nhanh hơn nếu vỏ ngoài của trái cây bị phá vỡ hoặc bề mặt tiếp xúc không khí của trái cây tăng lên khi cắt nhỏ.

Vì vậy, với hoa quả, tốt nhất là khi ăn hãy gọt vỏ, tránh việc gọt, cắt miếng để tủ lạnh ăn dần. Gọt vỏ, cắt miếng trái cây để lâu sẽ làm cho quá trình oxy hóa và nhiễm khuẩn trái cây nhanh và dễ dàng hơn. Nước hoa quả ép đóng hộp sau khi mở nắp cũng nên dùng sớm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng, nước cam ép đóng hộp mất 100% vitamin C sau 4 tuần mở nắp.

Không thể ăn uống bất kỳ lúc nào

Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế, thời điểm ăn hoa quả, uống nước ép hoa quả có ý nghĩa rất quan trọng với việc cơ thể có hấp thụ được những dưỡng chất quý giá có trong hoa quả hay không. Nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, nước ép trái cây nên được uống vào buổi sáng sẽ có lợi cho việc cung cấp vitamin cho cơ thể và làn da, duy trì thể lực trong cả ngày.

Hoa quả cũng cần phải ăn đúng cách.

Ngược lại, không nên uống nước quả ép vào buổi tối trước khi đi ngủ vì sẽ gây hại cho thận và dạ dày. Thời điểm ăn hoa quả thích hợp nhất không phải là sau bữa ăn như thói quen truyền thống, mà nên ăn một giờ trước bữa ăn là tốt nhất, như vậy cơ thể mới hấp thu tối đa các loại vitamin và các chất có trong hoa quả.

Có một số loại hoa quả không nên ăn lúc đói. Ăn quả hồng lúc đói có thể gây ra những viên sỏi trong dạ dày. Những loại quả chua như bưởi, cam, chanh ăn lúc đói sẽ gây cồn ruột. Ăn cà chua khi đói có thể gây chướng bụng, đau bụng.

Khó thay rau, tinh bột

Do nghĩ rằng ăn hoa quả tốt cho sức khoẻ, nhiều người ăn hoa quả theo kiểu, ăn càng nhiều càng tốt, thậm chí có thể ăn hoa quả thay cho ăn rau, thay cơm. Quan điểm này là hết sức sai lầm. Hàm  lượng vitamin và muối vô cơ trong hoa quả không thể nào bằng được trong rau xanh.

Tương tự, những loại hoa quả tươi, chứa hàm lượng nước trên 85%, protein không đến 1% và hầu như không có chất béo. Chính vì vậy, hoa quả mặc dù ăn ngon miệng nhưng không thể thay thế tinh bột. Hơn thế, việc ăn quá nhiều hoa quả, còn dẫn đến hiện tượng thừa một loại chất dinh dưỡng nào đó.

Chẳng hạn như nếu ăn quá nhiều các loại quả có màu đỏ, vàng (loại quả giàu vitamin A) như quýt, chuối, cà rốt, ớt, bí đỏ… sẽ có nguy cơ mắc bệnh vàng da. Ăn quá nhiều vải, nhãn, sầu riêng… bạn có thể bị nhiệt, mọc mụn nhọt hay lở loét.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top