Nguy hại của nhà nhiều cửa kính

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, cửa kính đem lại ánh sáng nhưng dùng quá nhiều kính gây tiêu tốn năng lượng lên đến 50 lần và ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, cửa kính đem lại ánh sáng nhưng dùng quá nhiều kính gây tiêu tốn năng lượng lên đến 50 lần và ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng.

Ngộ độc ánh sáng

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ánh sáng phản quang từ các tòa nhà bọc kính đều vượt mức chịu đựng của đôi mắt. Tuy nhiên, căn bệnh “ngộ độc ánh sáng” chỉ dừng ở mức khuyến cáo và các tòa nhà bọc kính không đúng quy chuẩn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Việc sử dụng kính để tận dụng ánh sáng và không gian cũng ngày càng được ưa chuộng trong xây dựng, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

PGS.TS Bùi Vạn Trân, nguyên giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc lạm dụng kính gây ra những hiệu ứng nguy hại mà ít người biết. Trước tiên, ánh sáng mặt trời xuyên qua kính khi vào nhà sẽ làm nhiệt độ tăng cao. Bức xạ chiếu từ Mặt trời là bức xạ sóng ngắn, khi qua cửa kính vào nhà sẽ làm nóng bề mặt và tạo ra bức xạ sóng dài. Loại bức xạ này không xuyên qua được kính gây nên hiệu ứng nhà kính.

“Có những tòa nhà sử dụng quá nhiều kính, rất nguy hiểm. Về năng lượng tiêu thụ, sẽ phải bật điều hòa 24/24h, điện năng tiêu thụ cao gấp 10 đến 50 lần so với nhà xây dựng bằng tường bê tông thông thường. Nhiều gia đình lắp đặt tường, cửa kính để lấy ánh sáng mà không biết rằng ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp liên tục sẽ gây ra hiện tượng nhiễm độc ánh sáng, nguy hại cho mắt, hệ thần kinh”, PGS.TS Bùi Vạn Trân cho biết.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch và Phát triển Việt Nam cho rằng, nhiều ngôi nhà lắp các tấm kính lớn đã gây phản quang tác hại với môi trường, thẩm mỹ, tăng nhiệt độ không khí bên ngoài, gây thụ cảm ánh sáng không tốt cho người đi đường. Tồn tại đầu tiên là việc cấp phép chỉ chú trọng mặt bằng không gian ranh giới lô đất, chiều cao, chỉ giới đường đỏ, mật độ xây dựng..., chưa chú trọng vật liệu hoàn thiện. Đa phần các loại kính sử dụng thường là kính một lớp, kính trong, chưa bảo đảm yêu cầu hệ số truyền nhiệt và độ an toàn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ánh sáng phản quang từ các tòa nhà bọc kính đều trên 1.000 lux, trong khi mắt chúng ta chỉ chịu được độ ánh sáng khoảng 400 - 600 lux.

Chỉ nên lắp kính khu vực có nhiều cây

PGS.TS Bùi Vạn Trân cho biết, trong xây dựng, nếu muốn dùng kính để tận dụng ánh sáng thì phải biết cân đối trong thiết kế. Không dùng kính ở phía Tây, nơi có ánh sáng mặt trời chiếu nhiều nhất. Chỉ sử dụng kính phía có nhiều cây cối, sân vườn với những mảng xanh, khi đó, kính sẽ là trợ thủ lấy ánh sáng tự nhiên. Trường hợp không có cây xanh thì phải thiết kế các tấm chắn phía trên cửa kính, sao cho Mặt trời không chiếu trực tiếp vào kính mà bị khúc xạ qua một bức tường khác. Ánh sáng tự nhiên được khúc xạ (không phải ánh sáng trực tiếp từ Mặt trời) là loại ánh sáng tốt nhất cho mắt nhìn cũng như không tạo ra hiện tượng nhiệt độ tăng quá cao gây tốn kém điện năng tiêu thụ.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, nhìn chung, việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống các văn bản chính sách về tiết kiệm năng lượng chưa đồng bộ; một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng nói chung và các công trình xây dựng nói riêng còn thiếu. Để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới, cần có những giải pháp đồng bộ. Cần nhanh chóng xây dựng một đội ngũ tư vấn thiết kế có đầy đủ năng lực tư vấn thiết kế cho các tòa nhà.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu những tác hại và nguy cơ về hiệu ứng nhà kính cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân, đã đến lúc, cần ban hành một số quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng một cách cụ thể, đặc biệt là các quy định về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, thiết kế, lắp đặt, kiểm tra thử nghiệm, sử dụng các loại kính.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top