Nguy cơ “rò rỉ” gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

(khoahocdoisong.vn) - Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các ngân hàng đã có các gói tín dụng hỗ trợ hơn 285.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai các gói tín dụng có thể gặp vướng mắc, thậm chí có nguy cơ sai đối tượng.
Giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19.

Giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19.

Cung thừa, cầu giảm

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang có những tác động mạnh đến nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp cũng như hoạt động cho vay của các ngân hàng. Dù thanh khoản hệ thống dồi dào, các ngân hàng đã có các gói tín dụng ưu đãi, nhưng do chuỗi cung ứng hàng hoá trên toàn cầu chưa hồi phục sau thời gian gián đoạn, sản xuất đang bị ngưng trệ...  nên nhu cầu vay của nhiều doanh nghiệp cũng chưa hồi phục.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với 1% cùng kỳ năm trước. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng nhu cầu vay vốn vẫn giảm.

Những diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy, doanh nghiệp sẽ khó hấp thụ vốn nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài và có diễn biến phức tạp. Kết quả tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm cũng thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Điều này phản ánh sự khó khăn của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Kim Oanh, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội cho biết, hiện nhiều công ty đã giảm hoặc tạm ngừng hoạt động. Các ngân hàng có mời chào gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn 1% so với trước, nhưng doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay. Tình trạng chung là không nhập khẩu được nguồn nguyên liệu, nên hoạt động sản xuất đình trệ, hàng có làm ra không xuất được nên không vay nữa. Thông thường, các doanh nghiệp vay theo kỳ hạn từ 3-6 tháng, nên thời điểm này lại lo trả khoản vay từ cuối năm 2019.

Khi quy mô hoạt động của doanh nghiệp không mở rộng, thậm chí bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu vay vốn sẽ ít đi nên kéo giảm tăng trưởng tín dụng. Theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2020 có gần 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo NHNN, dư nợ cho vay với khối doanh nghiệp chiếm 54% tổng dư nợ. Hầu hết doanh nghiệp hiện vay vốn lưu động từ các tổ chức tín dụng. Khi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Theo thông tin từ một số ngân hàng thương mại, tháng 2/2020, tín dụng gần như không tăng trưởng. Hiện, các ngân hàng đã giảm lãi vay từ 1-1,5%/năm, đưa ra nhiều gói hỗ trợ, nhưng không nhiều doanh nghiệp muốn vay, bởi sản xuất kinh doanh đang ngưng trệ.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế đang xuống thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiền lưu thông hiện khá dồi dào, hệ thống có tính thanh khoản cao, thị trường đang có những nền tảng tốt để hạ lãi suất.

Một số chuyên gia khác cho rằng, thời điểm hiện nay, việc hạ lãi suất hay "bơm" nguồn tín dụng ưu đãi cũng không hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp. Bởi khó khăn hiện tại của doanh nghiệp không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.

Thiếu tiêu chí, nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, hiện tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 54% là dành cho các doanh nghiệp. Cùng với việc tung gói tín dụng lãi suất thấp, các ngân hàng cũng đã xem xét miễn giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus.

Đại diện Eximbank cho rằng các ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng NHNN, trên tinh thần chỉ đạo và chính sách để xây dựng các gói hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, không bị trục lợi. Tuy nhiên, cần đưa ra những tiêu chí sàng lọc, nêu chi tiết để có hướng dẫn phù hợp, bởi mỗi ngân hàng có "khẩu vị" và ngưỡng chịu đựng rủi ro riêng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) lại cho rằng, tiêu chuẩn để được hưởng gói tín dụng trên sẽ được các ngân hàng tự chủ. Bởi nếu doanh nghiệp hoạt động không tốt, không có kế hoạch rõ ràng, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng sẽ không thể giải ngân cho vay với lãi suất ưu đãi. Vì vậy, để các ngân hàng thương mại tự xác định, xem xét cho vay với khách hàng nào là hợp lý nhất. Đặc biệt, đây là chương trình do các nhà băng tự nguyện chứ không dùng vốn ngân sách.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định, vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể vì Covid-19 (doanh nghiệp du lịch, xuất khẩu nông sản...). Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác, do đó cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô như vậy.

Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, nếu áp dụng mức giảm lãi suất trên, các DN có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí, từ đó bù đắp cho các thiệt hại mà dịch nCoV gây ra. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng các biện pháp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất đều cần thận trọng trong lúc này, do có thể tác động đến nhiều ngành khác thay vì ngành bị tổn thương nặng nề hơn như du lịch hay nông sản.

Chuyên gia này cho hay, khi nới lỏng kênh truyền dẫn, tiền tệ có thể dễ dàng chuyển sang thị trường bất động sản dẫn đến bong bóng. Do đó, chính sách tiền tệ cần có sự thận trọng, linh hoạt. Việc sử dụng công cụ tỷ giá có thể không có giá trị cụ thể trong bối cảnh hiện tại và gây ra tác động đến toàn nền kinh tế.

Theo Đời sống
back to top