Nguy cơ phẫu thuật tuyến giáp Basedow trẻ em

(khoahocdoisong.vn) - Phẫu thuật cắt tuyến giáp cũng có thể là một lựa chọn điều trị an toàn cho Basedow trẻ em, nếu bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm. Một số biến chứng có thể gặp là hạ canci máu, tổn thương dây thần kinh thanh quản...

Hỏi: Xin KH&ĐS cho biết, trẻ em bị Basedow phẫu thuật có nguy cơ gì? Không phẫu thuật thì điều trị theo phương pháp nào?

Nguyễn Minh Phượng (Nghệ An)

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái thảo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Chỉ có chưa đến 30% bệnh nhân Basedow trẻ em có thể khỏi bệnh khi điều trị thuốc kháng giáp. Hơn 70% bệnh nhân còn lại cần điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật hoặc I-131.

Thực tế, chúng ta có rất ít thông tin về các biến chứng sau phẫu thuật cắt tuyến giáp ở trẻ em. Một nghiên cứu tại Hà Lan cho thấy, các biến chứng hay gặp là hạ canxi máu thoáng qua là 22,2%, dao động từ 5,0 – 50,0%. Tần suất hạ canxi máu vĩnh viễn (suy cận giáp) là 2,5%, dao động từ 0 – 20,0%. Có 2 nghiên cứu báo cáo tỷ lệ bị hạ canxi máu vĩnh viễn cao, lần lượt là 20,0 (6/30) và 17,4% (9/52), có thể do bác sĩ phẫu thuật ít kinh nghiệm và bệnh nhân Basedow được kiểm soát kém. Tổn thương dây thần kinh thanh quản tái phát thoáng qua và vĩnh viễn ít gặp hơn, với tỷ lệ lần lượt là từ 0 – 20,0 và 0 – 7,1%. Các biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết/tụ máu và hình thành sẹo lồi hiếm khi được báo cáo là biến chứng sau phẫu thuật.

Như vậy, phẫu thuật cắt tuyến giáp cũng có thể là một lựa chọn điều trị an toàn cho Basedow trẻ em, nếu bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm. Một số ít bệnh nhân bị biến chứng thoáng qua và lành tính, phổ biến nhất là hạ canxi máu thoáng qua. Hiếm gặp biến chứng vĩnh viễn sau phẫu thuật.

Theo Đời sống
back to top