Nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới nếu không có quyết sách phù hợp

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nước ta đang gặp thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới. Đặc biệt là nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nước ta cũng như thế giới. Nhưng hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của nước ta đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Theo Thủ tướng, đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới. Đặc biệt là nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên dữ liệu nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công được kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, chúng ta phân tích, đánh giá kỹ, lựa chọn phù hợp các công cụ, chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực và đánh giá tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực để trình Quốc hội xem xét.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thực hiện trên phương châm hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính. Điều này sẽ bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp. Cụ thể là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp.

Đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo.

Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó đặc biệt chú trọng phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thông suốt; khắc phục nhanh những bất cập, vướng mắc; hỗ trợ kịp thời, thiết thực, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Theo Đời sống
back to top