Nguy cơ HUD sử dụng vốn nhà nước thiếu hiệu quả

Theo Kiểm toán Nhà nước kết luận, quy mô sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) ngày càng giảm. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ từ hoạt động chính là kinh doanh bất động sản chỉ đạt 85,07% so năm 2019; luân chuyển hàng tồn kho chậm, vòng quay sử dụng tổng tài sản còn thấp.

Đầu tư tài chính thiếu hiệu quả

Trong kết luận kiểm toán về HUD, kiểm toán nhà nước cho biết, quản lý đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ chưa tương xứng so với vốn góp đầu tư, khi cổ tức dự kiến được chia năm 2020 chỉ đạt 4,34%.

Trong 3/17 công ty con có mức lợi nhuận thấp, tỷ suất lợi nhuận/vốn thấp, cổ tức 2 - 5% (HUD.VN, HUDS, HUD4); 4/17 công ty con có lợi nhuận thấp, không chia cổ tức (HUD Sài Gòn, HUDSE, HUD10, VINAUIC).

Cá biệt Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng HUD.CIC còn kinh doanh lỗ. Ngoài ra, 4/5 công ty liên kết cũng lâm vào tình trạng thua lỗ tương tự.

Điều này khiến Công ty mẹ đã trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính lũy kế đến 41,3 tỷ đồng. Trong đó riêng năm 2020 trích lập dự phòng bổ sung 7,6 tỷ đồng. Tình trạng đầu tư tài chính thiếu hiệu quả cũng diễn ra tại các công ty con như HUD6, HUDLAND, HUD.VN.

Tuy làm ăn kém hiệu quả, nhưng HUD lại chậm thoái vốn tại 15/16 công ty con và 3 công ty liên kết theo quyết định của Chính phủ. Điều này khiến Bộ Xây dựng phải đánh giá, phân loại HUD vào danh mục chậm thực hiện đổi mới so với quy định. Trong khi đó, tỷ lệ đối chiếu nợ phải thu của HUD đến 31/12/2020 chỉ đạt 61,8%; nợ chưa được đối chiếu xác nhận lên tới gần 664 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ khó đòi lên tới 173,5 tỷ đồng, bằng 10% tổng nợ phải thu của Tổng công ty.

Tại công ty mẹ, vốn góp chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2020 còn thiếu 1.800 tỷ đồng so với điều lệ doanh nghiệp, nhưng đại diện chủ sở hữu chưa điều chỉnh lại mức vốn thực góp trên giấy đăng ký.

Đến 31/12/2020, Công ty mẹ có số dư tạm ứng phải thu hồi lớn, tới 739,5 tỷ đồng. Trong đó có các khoản nợ tồn đọng hoặc không có khả năng thu hồi phải trích lập dự phòng là hơn 50 tỷ đồng, nợ XDCB chưa thanh toán cho các hợp đồng là 135 tỷ đồng. Hầu hết các công trình/dự án thành phần đều lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán chậm so với quy định.

Quỹ đất nhiều sai phạm

Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, 4 dự án do HUD và các đơn vị thành viên đầu tư vừa bị xử phạt hàng trăm tỷ đồng. Gồm dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội) bị phạt hơn 4 tỷ đồng, dự án Phú Mỹ (Quảng Ngãi) bị phạt 1,5 tỷ đồng, dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 (Bình Dương) bị phạt hơn 303 tỷ đồng, dự án HUD Sơn Tây (Hà Nội) bị phạt 6,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại dự án khu đô thị Chánh Mỹ giai đoạn 2, dù địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 181,66ha đất trong thực tế từ 2009 - 2010, đã tính tiền sử dụng đất khoảng 244,8 tỷ đồng, nhưng thời gian qua dự án cũng "đắp chiếu" nhiều năm.

Từ năm 2018, HUD tiếp tục đề xuất tỉnh Bình Dương cho triển khai dự án, nhưng do dự án kéo dài qua nhiều thời kỳ, nhiều cơ chế chính sách về đầu tư và giải phóng mặt bằng thay đổi, đến nay việc quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai tại HUD, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều dự án do công ty mẹ đầu tư chậm giao đất, hoặc chưa giao một phần đất làm ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư các dự án.

Một số diện tích đất đã giao cho HUD nhưng chưa triển khai xây dựng công trình tại các ô CC2A khu đô thị Văn Quán (Hà Nội), 5 ô đất CC-04A, CC-05A, CC-06A, CQ-05, HH-01 thuộc dự án khu đô thị Việt Hưng. Tại dự án HUD - Sơn Tây, HUD chưa nộp tiền sử dụng đất 9.842m2, chưa ký hợp đồng thuê 18.026m2 đất tại đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh, và khoảng 79.000m2 đất tại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Phước An.

Một số công ty con của HUD như HUDLAND chưa nộp tiền sử dụng đất 3.501m2 tại khu đô thị mới đường Lý Thái Tổ, TP Bắc Ninh. Công ty HUD Nha Trang chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa ký hợp đồng thuê 5.125,9m2 đất dự án khu đô thị mới Phước Long và khoảng 1.958m2 đất thuộc khu biệt thự Nha Trang - Sea Park. Công ty HUD8 chưa hoàn thành thủ tục cấp sổ đỏ cho 7 căn nhà tại khu nhà ở thấp tầng TT2, TT6B, TT6D Linh Đàm.

Để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai tại HUD, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị HUD làm việc với các địa phương để giải phóng mặt bằng và xác định tiền sử dụng đất đối với các diện tích đã được giao. Khẩn trương làm việc với các địa phương Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa để gỡ vướng cho các dự án đang triển khai.

HUD là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản. Thành lập từ năm 1989, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, HUD hiện đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với khối cơ quan Tổng Công ty, 11 Ban Quản lý dự án, 2 chi nhánh và 15 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, 2 công ty liên kết và 2 công ty liên doanh với tổng số hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, người lao động, trong đó hơn một nửa có trình độ đại học và trên đại học.

Theo Đời sống
back to top