Nguy cơ độc hại vì lưu trữ sách báo cũ

Việc lưu giữ các cuốn sách cũ lại tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà và ảnh hưởng sức khoẻ đường hô hấp, thậm chí gây nhiễm độc formaldehyde. Bảo quản và lưu trữ sách thế nào để giữ được sách bền lâu với thời gian mà không ảnh hưởng sức khoẻ là điều không ít người quan tâm lo lắng.

Những nỗi lo tiềm ẩn

Mới đây, một gia đình ba người ở Trung Quốc bị nhiễm formaldehyde qua đường hô hấp do tích trữ hàng chục nghìn cuốn sách trong nhà. Kết quả đo nồng độ không khí trong căn hộ của gia đình này phát hiện hàm lượng formaldehyde vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Formaldehyde – một loại khí có mùi hăng mạnh, không màu, thường có trong mực in bìa sách, tạp chí, các loại đồ gia dụng như thảm, đồ nhựa… được biết đến là một chất sinh ung thư, đặc biệt nguy hiểm với con người khi tiếp xúc qua đường hô hấp.

Một nghiên cứu độc lập của Đại học New York (Mỹ) cũng cho thấy, vi khuẩn Streptococcus pneumoniae và Streptococcus pyogenes là hai loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, người già như viêm họng, viêm tai và bệnh ngoài da, cũng có mặt trên sách báo cũ và có thể sống được trên những bề mặt sách báo trong thời gian dài. Trong đó, vi khuẩn S. pneumoniae là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng tai, đồng thời cũng là nguyên nhân gây bệnh và tử vong do các nhiễm trùng hô hấp khác.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thì những đồ vật cầm tay thông dụng như sách báo bị nhiễm loại vi khuẩn tạo màng sinh học có thể trở thành những ổ chứa vi khuẩn và làm vi khuẩn lây lan sang những người tiếp xúc với chúng.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, Cầu Giấy, Hà Nội cũng cảnh báo, không chỉ hóa chất độc hại mà ngay cả bụi bẩn, vi khuẩn, mối mọt, nấm mốc trên các sách báo cũ cũng là mối lo tiềm tàng đối với sức khoẻ người tiếp xúc. Bởi giấy sách có đặc tính hút ẩm nên dễ bị nấm mốc, nhiều tủ sách gia đình để lâu ngày không sờ đến, có những quyển sách bị mốc meo, mọt ăn nham nhở hết cả… Đấy là chưa kể đến bụi bẩn bám lâu ngày trên giấy sách khi mở ra các phân tử bụi cũng dễ dàng bị chúng ta hít vào qua  đường hô hấp.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/sach-bao-cu-300x200.jpg

Sách báo để lâu bị bụi bẩn, mối mọt, nấm mốc, tích tụ hóa chất độc hại

Lau bụi, thông gió

Việc những cuốn sách bị bụi bẩn, mối mọt, nấm mốc, tích tụ hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến con người là điều quá rõ. Chính vì vậy, đối với những người yêu sách thì việc bảo quản sao cho những cuốn sách quý của mình được bền đẹp với thời gian là điều vô cùng cần thiết, đồng thời cũng tránh khỏi những nguy cơ tổn hại sức khoẻ.

Ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng, việc cần làm thường xuyên nhất là lau bụi, ít nhất 6 tháng một lần, có thể dùng chổi/cọ trang điểm cũ để loại bỏ bụi một cách nhẹ nhàng hơn. Nhiều người thường chỉ lau từ gáy đến bìa sách mà bỏ qua ba cạnh của cuốn sách là nơi dễ bị bụi bám và len lỏi vào từng trang giấy. Hãy đừng ép các quyển sách quá sát lại với nhau; việc để những quyển sách chặt khít lại vừa khó lấy ra khi cần, vừa làm tăng độ ẩm phát sinh từ sách.

Cách tốt nhất là tạo khoảng cách nhất định giữa những cuốn sách để có sự thoáng mát, tránh ẩm mốc. Với những quyển sách giá trị, bạn có thể bỏ vào trong túi mềm, và nếu có thể thì cố gắng ép hết không khí ra và dán kín miệng túi khi lưu trữ. Bạn cũng có thể dùng hộp nhựa trong để đựng những bộ sách quý. Hộp nhựa này sẽ bảo vệ bộ sưu tập sách quý giá của bạn khỏi hơi ẩm và nấm mốc; có thể bỏ thêm túi chống côn trùng, túi hút ẩm khử mùi vào trong túi.

Một lưu ý nữa là đừng xếp sách sát tường, ở gác xép, nền nhà, hay bất cứ chỗ nào ẩm thấp; đặt cách xa tường khoảng từ 3 – 5cm là khoảng cách hợp lý để ngăn hơi ẩm và mốc có cơ hội tiếp cận và gây hư hại cho sách.

Đối với nguy cơ hít phát khí formaldehyde, đây là hóa chất bay hơi, dễ tan vào không khí, vì vậy tốt nhất nên thường xuyên dọn dẹp phong và mở cửa cho thông thoáng bất kỳ lúc nào có thể. Phòng chứa quá nhiều sách, kín bí thì nên trang bị quạt thông gió, giúp trao đổi khí tươi với bên ngoài và làm loãng nồng độ hóa chất.

Hệ thống thẩm định và công bố các hóa chất công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia Australia (NICNAS) đã tiến hành đánh giá độc tính của formaldehyde cho thấy ảnh hưởng sức khoẻ ở nhiều mức độ khác, thậm chí là gây ung thư. Formaldehyde bay hơi có thể gây kích thích thần kinh ở mắt và mũi, thậm chí gây cảm giác bỏng rát, châm chích hay ngứa, đau cổ họng, chảy nước mắt, nước mũi và hắt hơi. Các mức độ tiếp xúc có thể gây ra các phản ứng dị ứng khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc cơ địa và tiền sử dị ứng.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top